Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc thay thế cây xanh vừa qua là bài học rất đắt giá, đồng thời cam kết sau xử lý trách nhiệm sẽ công bố công khai |
"Trong những tồn tại, yếu kém của 6 tháng đầu năm 2015, việc thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh là một trong những vấn đề bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém, gây bức xúc trong nhân dân” - ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, chủ trương cải tạo, chỉnh trang cây xanh hai bên đường là việc làm thường xuyên, có tác động tích cực. Thực tế công tác quản lý đô thị, phòng chống mưa bão nhiều năm qua, những thiệt hại về người và tài sản khi cây cối gãy đổ do mưa bão trên địa bàn thành phố và nhất là những thiệt hại rất lớn qua trận mưa giông lịch sử chiều ngày 13-6-2015 cho thấy việc cải tạo, chỉnh trang cây xanh đô thị hai bên đường trên địa bàn thành phố là rất cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên nhằm bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và vừa bảo đảm mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, theo ông Thảo, phương pháp, cách thức thực hiện trong cải tạo, thay thế cây xanh vừa qua còn nóng vội, giản đơn. Đặc biệt là chưa thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác dẫn tới một số người hiểu lầm, dư luận nhân dân nắm bắt thông tin không đầy đủ.
“Thành phố cũng nhận thấy, việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị là công việc nhạy cảm, ảnh hưởng tác động tới cuộc sống, tâm tư, tình cảm của nhân dân nhưng thông tin tuyên truyền thực hiện còn chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa tổ chức xin ý kiến đông đảo nhân dân, các nhà khoa học tham gia. Một số tiêu chí thực hiện cấp phép chặt hạ, trồng mới cây xanh đô thị chưa rõ ràng, còn thiếu sót” - ông Thảo nói.
Ông Thảo cũng khẳng định, sau khi thanh tra thành phố kết luận, chỉ rõ những thiếu sót, tồn tại trong cải tạo, thay thế cây xanh, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, đồng thời khắc phục thiếu sót, điều chỉnh cách làm, thông tin đầy đủ, tạo sự đồng thuận.
“Thành phố đã kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với những thiếu sót không đáng có. Đây là vấn đề đáng tiếc, là bài học vừa quý giá vừa rất đắt giá” - ông Thảo nhìn nhận.
Khẳng định trước các đại biểu HĐND thành phố, ông Thảo cam kết: “sau thanh tra, thành phố đang chỉ đạo xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan. Kết quả xử lý trách nhiệm sẽ được công bố công khai trong thời gian tới. Đồng thời cũng mong đại biểu, cử tri chia sẻ và đồng thuận với chủ trương xây dựng, chỉnh trang đô thị của Hà Nội” - ông Thảo nói.
Hà Nội thành lập Sở Du lịch với 69 biên chế Sáng 8-7, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc thành lập Sở Du lịch và kiện toàn Sở Văn hóa-Thể thao. Đọc tờ trình đề nghị thành lập Sở Du lịch Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, việc thành lập Sở Du lịch, xuất phát từ vị trí và tiềm năng du lịch của thủ đô, là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hiện nay, Hà Nội có nhiều di tích văn hóa lịch sử và đạt mật độ di tích cao nhất nước. Về cơ cấu, bộ máy của Sở Du lịch sau khi thành lập mới, ông Sơn cho biết, Sở Du lịch sẽ có ban giám đốc gồm giám đốc và 3 phó giám đốc; có 5 phòng nghiệp vụ, chuyên môn gồm: văn phòng, thanh tra, phòng quản lý lữ hành, phòng quản lý cơ sở lưu trú, phòng kế hoạch-nghiên cứu phát triển. Về biên chế của Sở Du lịch, theo ông Sơn, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô hoạt động, trước mắt xác định biên chế hành chính của Sở Du lịch là 69 người, gồm 60 công chức và 9 lao động hợp đồng theo nghị định 68 của Chính phủ. Cũng theo lãnh đạo thành phố, ngoài số biên chế công chức được tách chuyển từ biên chế công chức của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch hiện nay, việc tuyển dụng cũng sẽ lấy từ các nguồn biên chế đã có sẵn, không làm tăng tổng biên chế hành chính của thành phố.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận