Ông Phan Ngọc Thọ cùng ông Nguyễn Tân trao đổi với thầy trò lớp 9/7 Trường THCS Trần Cao Vân - Ảnh: NGỌC MINH
Qua buổi dự giờ đột xuất một tiết học GDCD ở Trường THCS Trần Cao Vân (TP Huế), ông nói đã thấy được nhiều điều.
"Nếu để biết trước thì dự giờ làm gì?"
Để nắm được thực tiễn việc giảng dạy đạo đức trong trường học, ông Phan Ngọc Thọ đã chọn việc "âm thầm" đi thị sát thực tế một cách bất ngờ mà không báo trước.
Qua điện thoại, ông Thọ chỉ nói vỏn vẹn với ông Nguyễn Tân - giám đốc Sở GD-ĐT - rằng chọn điểm trường nhưng không được báo cho nhà trường biết trước và không được thêm việc đi thị sát vào lịch công tác.
"Tôi làm vậy vì muốn biết được thực sự một tiết học đạo đức trên ghế nhà trường hiện nay được thầy cô truyền tải đến học trò như thế nào. Nếu để nhà trường biết trước được việc này rồi diễn ra tình trạng đối phó thì việc đi dự giờ đâu còn ý nghĩa gì" - ông Phan Ngọc Thọ nói.
Đến Trường THCS Trần Cao Vân (TP Huế), ông Thọ đã yêu cầu hiệu trưởng dẫn lên lớp 9/7 - nơi đang có tiết GDCD do thầy Đỗ Công Tuấn đứng lớp.
Cả thầy trò lớp 9/7 đều ngỡ ngàng khi có hai vị khách lạ bất ngờ đến dự giờ học của lớp mình mà không được báo trước như những lần có đoàn dự giờ trước.
Ông Thọ nói thầy và trò cứ dạy và học như bình thường. Phía dưới góc lớp, ông Thọ và ông Tân chăm chú quan sát và ghi chép.
Cuối tiết, hai "vị khách" cùng ngồi lại với thầy trò lớp 9/7 để trao đổi về buổi học. Tuy được đánh giá cao về cách truyền đạt nhưng ông Thọ cũng không quên góp ý với thầy Tuấn rằng cần phải lồng ghép thêm nhiều câu chuyện thực tế vào bài giảng.
Dạy đạo đức phải đi kèm thực tiễn
Qua buổi dự giờ các môn đạo đức ở một số trường học trên địa bàn TP Huế, ông Phan Ngọc Thọ nói đã rút ra được nhiều điều sau chuyến đi. Đó là việc thời lượng dạy một tiết đạo đức ở cấp tiểu học chỉ kéo dài 30 phút là quá ít. Nội dung giảng dạy còn thiếu thực tiễn, thiếu sự trải nghiệm mà chủ yếu là lý thuyết quá nhiều.
"Việc cho học sinh đi tham quan các di tích, trải nghiệm thực tế còn quá ít ở các trường học. Tôi đã chỉ đạo cho Sở GD-ĐT tăng cường việc cho học sinh đi trải nghiệm thực tế hơn nữa văn hóa, lịch sử ở Huế. Có vậy, việc chúng ta dạy đạo đức, cốt cách Huế cho thế hệ trẻ mới không là nói suông" - ông Thọ nói.
Ông Nguyễn Tân cho biết việc đi thực tiễn tại các điểm trường đột xuất như vậy rất cần thiết, đặc biệt trong quá trình sở đang xây dựng đề án về nâng cao lối sống, cốt cách Huế trong trường học.
Theo ông Tân, ngoài việc mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu Huế tham gia việc xây dựng đề án trên, việc trải nghiệm thực tiễn các tiết học đạo đức ở các trường học giúp ông hiểu hơn về thực trạng giảng dạy bộ môn này hiện nay.
Ông Tân cũng cho biết việc đi thực tế các lớp học để lắng nghe, quan sát xem học sinh cần gì, giáo viên cần gì là điều hết sức quan trọng nhằm có những điều chỉnh thích hợp trong đề án giảng dạy đạo đức.
"Huế là nơi có rất nhiều di sản văn hóa, lịch sử tầm quốc gia và thế giới. Thế nhưng, học sinh ở Huế lại đang thiếu việc trải nghiệm những di sản, văn hóa này. Chính vì vậy, chúng tôi đang cố gắng phối hợp với sở ban ngành liên quan nâng cao thời gian trải nghiệm thực tế cho học sinh trong năm học này" - ông Tân nói.
Nâng cao lối sống, cốt cách Huế trong trường học
Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng đề án nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, truyền thống lịch sử văn hóa Huế.
Theo đề án, sẽ có một bộ tài liệu giáo dục về lịch sử, văn hóa và con người Huế phù hợp với cả ba cấp học là mầm non, tiểu học và THPT. Bộ tài liệu này sẽ hỗ trợ các thầy cô giáo trong các buổi sinh hoạt đầu giờ, ngoại khóa, nói chuyện với các học sinh ngoài giờ học kiến thức chính.
Đề án này khi triển khai còn giúp học sinh có thêm thời gian trải nghiệm văn hóa, di tích lịch sử truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự kiến đề án sẽ hoàn thành và đưa vào trường học trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ đầu học kỳ 2 của năm học này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận