29/05/2024 15:31 GMT+7

Chủ tịch thị xã Điện Bàn: 'Làm đường cho dân đi chứ không phải để khóa, thu phí cho BOT'

"Đường làm ra là để cho dân đi chứ không phải làm ra để khóa rồi phục vụ thu phí BOT cho doanh nghiệp. Nếu thấy lỗ quá thì phải tính phương án khác, có thể là dời đi nơi khác hợp lý hơn".

Xe né trạm thu phí vào đường nội bộ quá nhiều nên người dân dựng khung rào chắn - Ảnh: B.D.

Xe né trạm thu phí vào đường nội bộ quá nhiều nên người dân dựng khung rào chắn - Ảnh: B.D.

Ông Trần Úc - chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) - nói như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 29-5 về đề xuất đặt biển cấm xe vào các đường dân sinh từ Công ty 545 - chủ sở hữu BOT Điện Thắng Trung đoạn qua thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Chủ BOT đề xuất cấm xe đi đường dân sinh để buộc qua trạm, chủ tịch thị xã Điện Bàn nói gì?

Đường làm cho dân đi sao lại cấm?

Về đề xuất của doanh nghiệp cấm hết dòng xe lưu thông rẽ các hướng vào đường dân sinh để buộc phải vào trạm thu phí, ông Trần Úc cho rằng đây chỉ là đề xuất một chiều.

Thực tế chủ BOT Điện Thắng Trung cũng đã nhiều lần có những đề xuất tương tự, nhưng có những cái thuộc phạm vi thẩm quyền của địa phương thì Điện Bàn xem xét. Cái nào vượt quá thẩm quyền thì phải gửi lên cấp trên.

Ông Úc nói rằng rất thông cảm cho tình thế thiệt hại của Công ty 545 khi xe không đi thẳng qua trạm BOT gác chốt trên quốc lộ 1 mà lại rẽ lòng vòng qua rất nhiều tuyến đường dân sinh. Việc này đã khiến doanh nghiệp thất thu.

Tuy nhiên doanh nghiệp muốn cấm hẳn các xe vào đường dân sinh, mục đích là tăng thu phí. Đây là việc mà thị xã Điện Bàn không thể chấp thuận được. Lý do là quá thẩm quyền.

Các đường dân sinh tài xế thường đi vòng né trạm đang được sửa lại - Ảnh: B.D.

Các đường dân sinh tài xế thường đi vòng né trạm đang được sửa lại - Ảnh: B.D.

"Mình chỉ cắm biển hạn chế tải trọng dựa trên điều kiện thực tế của các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Chứ sao có thể cắm biển cấm hết mọi ngã rẽ để hướng xe vào trạm thu phí.

Nếu làm như thế là sai pháp luật. Bởi đường làm ra là để cho người dân đi lại. Không vì lợi ích doanh nghiệp, vì thấy doanh nghiệp thiệt hại mà rào khóa lại.

Còn doanh nghiệp bảo rằng ngày xưa địa phương cam kết sẽ không mở khu dân cư, sẽ đảm bảo nguồn thu. Chúng tôi không cam kết cái đó bao giờ, văn bản cam kết đưa ra xem nếu có chúng tôi chịu trách nhiệm ngay. Ai lại đi cam kết như vậy bao giờ!" - ông Úc nói.

BOT có trước hay dân có trước?

Nói về những rắc rối và liên tục có những kiến nghị từ chủ đầu tư BOT Điện Thắng Trung kêu cứu trong gần đây với địa phương, ông Úc cho biết Điện Bàn luôn lắng nghe và tìm cách tháo gỡ.

Tuy nhiên quan điểm là hài hòa đôi bên. Quyền lợi của người dân hai bên trạm thu phí phải được đảm bảo. Không vì lợi ích của doanh nghiệp mà để người dân phải bị rào đường, ngăn sông cấm chợ.

Theo ông Úc, trong quy hoạch được phê duyệt tầm nhìn tới năm 2030, thị xã Điện Bàn sẽ xây dựng lộ trình lên thành phố. Muốn vậy thì các thiết chế cơ bản về đô thị phải được xây dựng đồng bộ. Số lượng phường phải đủ theo quy định.

Các biển cấm xe tải trọng lớn đã được cắm lên để ngăn xe vào khu dân cư né trạm BOT - Ảnh: B.D.

Các biển cấm xe tải trọng lớn đã được cắm lên để ngăn xe vào khu dân cư né trạm BOT - Ảnh: B.D.

Điều này có nghĩa rằng sẽ càng có các tuyến dân cư mọc lên hai bên trạm thu phí. Các khu dân cư này có đường nội bộ kết nối với quốc lộ 1, vô tình hình thành các tuyến "né" trạm thu phí. Chắc chắn BOT Điện Thắng Trung sẽ càng ngày càng khó khăn hơn trong việc giữ ổn định xe cộ để thu phí.

"Chúng tôi hiểu tình thế của chủ BOT Điện Thắng Trung. Nhưng Điện Bàn cũng cần phải phát triển, bộ mặt đô thị địa phương phải được đầu tư, đường giao thông phải được mở và địa phương phải hoàn tất lộ trình lên đô thị hiện đại. Không thể nói rằng vì BOT đóng ở đó mà để Điện Bàn không phát triển được" - ông Úc nói thêm.

"Chạy trời không khỏi nắng"

Chủ tịch thị xã Điện Bàn nói rằng BOT Điện Thắng Trung ban đầu quy hoạch đặt ở gần giáp ranh Đà Nẵng.

Tuy nhiên khi thấy tỉnh Quảng Nam đầu tư một con đường bài bản rẽ từ hướng quốc lộ 1 qua cầu Tứ Câu, hướng qua phía đông thị xã Điện Bàn, nhận thấy đường này sẽ tạo điều kiện cho xe cộ đi vòng né thu phí nên trạm BOT được dời về vị trí hiện tại.

Ban đầu những khu dân cư ở hai bên trạm BOT Điện Thắng Trung còn thưa thớt, chưa được quy hoạch bài bản nên đa phần xe đều buộc phải qua trạm thu phí.

Tuy nhiên mấy năm trước, vệt dân cư đô thị mới mọc lên, đường mở ra vòng qua nách trạm BOT dày đặc. Trạm thu phí trở nên "rỗng chân, sổng lưới" khi xe chạy lòng vòng để qua bên kia chứ không vào trạm.

Sao lại cấm vào đường dân sinh, buộc dân phải qua trạm BOT?Sao lại cấm vào đường dân sinh, buộc dân phải qua trạm BOT?

Rất nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online cho rằng việc chủ đầu tư BOT Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đề nghị cắm biển cấm xe vào các đường nội bộ để buộc tài xế phải qua trạm thu phí là đòi hỏi vô lý.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp