Trước đó, Sơn Hải cũng từng được chú ý với việc bảo hành các công trình giao thông đến 10 năm.
Ông Nguyễn Viết Hải - chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải - đã trao đổi thẳng thắn với Tuổi Trẻ về việc này.
Dự án thủy điện không liên quan khu dân cư xã Hướng Lập
* Thưa ông, việc một doanh nghiệp chi ra một số tiền lớn để xây cả một bản làng mới với hạ tầng và sinh kế lâu dài như làng nghĩa tình Sơn Hải là một việc không dễ dàng. Ông có thể chia sẻ thêm về lý do ông làm việc này?
- Tôi quê gốc tại Quảng Trị nhưng sinh ra và lớn lên tại Quảng Bình.
Nhiều năm trước, khi về Quảng Trị, tôi từng chứng kiến cảnh người dân các bản làng xa xôi của những xã dọc biên giới thường vô cùng bất an khi mùa mưa lũ đến.
Nước sông suối chỉ cần một trận mưa là dâng lên ngập hết các đường vào bản. Mỗi lần đau ốm là phải khiêng cáng nhau đi ra trạm y tế.
Nếu mưa bão dài ngày thì lương thực cũng thiếu trước hụt sau.
Thậm chí nhiều bản "trắng" sóng điện thoại. Không có ti vi, mạng Internet để tiếp cận với đời sống văn minh.
Tình cảnh người dân càng gian nan hơn khi năm 2020 đợt mưa dài ngày khiến nhiều nơi ở các xã vùng bắc Hướng Hóa xảy ra sạt lở. Nhiều người đã bị vùi lấp, chết chóc, đau thương. Đặc biệt là bản Cuôi của xã Hướng Lập - bản làng xa nhất và thường xuyên bị chia cắt nhất khi mưa lũ.
Giữa năm 2021, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có chủ trương phải di dời toàn bộ người dân bản Cuôi ra vị trí gần trung tâm xã hơn để chấm dứt việc bị chia cắt và tiếp cận với văn minh, trường học, y tế.
Đó cũng là lúc chúng tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện phải giúp bà con xây dựng một nơi ở mới khang trang và an toàn hơn khi mưa bão. Đến đầu năm 2022, chúng tôi bắt tay vào việc xây dựng làng mới cho các hộ này.
* Có một số thông tin cho rằng Tập đoàn Sơn Hải đang đầu tư dự án thủy điện ở các xã vùng bắc Hướng Hóa. Việc này có liên quan gì đến chuyện tập đoàn xây dựng làng nghĩa tình Sơn Hải tại Hướng Lập không?
- Thực tế chúng tôi có xin đầu tư cụm dự án thủy điện Hướng Sơn từ sáu năm trước. Tuy nhiên đến hiện tại dự án này vẫn đang ở giai đoạn mới cấp chủ trương đầu tư trên giấy chứ chưa làm trên thực địa. Và dự án cũng đang còn vướng nhiều thủ tục cần tháo gỡ nên việc triển khai vẫn đang bỏ ngỏ.
Tuy nhiên trong quy hoạch ban đầu, phạm vi dự án này không liên quan gì đến những khu dân cư của xã Hướng Lập. Và 56 hộ dân được đưa ra tái định cư ở làng nghĩa tình Sơn Hải cũng không nằm trong phạm vi lòng hồ ảnh hưởng của dự án.
Như bản Cuôi thì hộ gần nhất trong tổng số 32 hộ dân của bản vẫn nằm cách ranh giới dự án cả cây số. Những hộ còn lại ở hai bản Tri và Cha Lỳ nằm ngay gần UBND xã, càng không thể trong phạm vi liên quan đến dự án được. Ngoài ra khi di dời, những hộ dân ở bản Cuôi vẫn để lại nhà cũ và vẫn sử dụng bình thường.
Buổi sáng người dân vẫn đi xe máy vào lại bản cũ canh tác. Trưa về nhà cũ ăn uống nghỉ ngơi để chiều lên rẫy rồi tối mới ra lại nhà ở bản mới.
Trong lễ khánh thành và bàn giao 56 ngôi nhà, trước sự chứng kiến của chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch HĐND tỉnh cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành cũng như chính quyền địa phương các cấp, tôi cũng đã công khai khẳng định khi phát biểu rằng 56 hộ dân này hoàn toàn không nằm trong phạm vi dự án cụm thủy điện Hướng Sơn.
Và vì vậy số tiền hơn 40 tỉ đồng này cũng hoàn toàn là tiền túi của Sơn Hải tự bỏ ra để hỗ trợ người dân.
Vì sao bảo hành công trình giao thông 10 năm?
* Lâu nay ông thường nói sự hài hòa của lợi ích doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng là văn hóa cốt lõi của Tập đoàn Sơn Hải. Điều này cụ thể ra sao?
- Không phải tự nhiên mà Tập đoàn Sơn Hải chọn bảo hành các công trình giao thông mà mình thi công đến 10 năm, trong khi quy định chỉ cần hai năm. Bảo hành dài ra thì lợi ích nhỏ lại. Nhưng chúng tôi chấp nhận giảm đi lợi ích doanh nghiệp, để giá trị cộng đồng được hưởng sẽ tăng lên.
Đó chính là văn hóa lợi ích doanh nghiệp luôn đồng hành với lợi ích cộng đồng mà Sơn Hải luôn hướng tới lâu nay. Và với những dự án khác cũng vậy.
Doanh nghiệp khi đầu tư dự án ở địa phương nào thì sẽ thực hiện trách nhiệm cộng đồng ở đó. Không thể có chuyện doanh nghiệp làm dự án ở Quảng Trị mà ra tỉnh khác xây dựng bản làng hay những công trình dân sinh để thể hiện trách nhiệm cộng đồng được.
Nhưng nếu chỉ thể hiện trách nhiệm cộng đồng kiểu "cho có" thì chúng tôi hoàn toàn có thể chỉ cần làm một cái đường bê tông, làm một nhà văn hóa cộng đồng hay xây một vài ngôi nhà tình nghĩa.
Nhưng chúng tôi chọn xây cả bản làng kiên cố cho người dân, kèm theo đó là những sinh kế để người dân gắn bó lâu dài. Vì cái người dân vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cần nhất là cuộc sống an toàn. Mấy chục năm qua người dân đã sống trong cảnh bất an vì mưa lũ rồi.
Chúng tôi chấp nhận việc bỏ ra một số tiền lớn để mang lại cuộc sống an toàn bền vững cho người dân, tức là chúng tôi cũng chấp nhận việc giảm lợi ích của mình để phục vụ lợi ích của cộng đồng.
* Vậy vì sao đặt tên khu dân cư mới này là làng nghĩa tình Sơn Hải, thưa ông?
- Ban đầu khi mới thống nhất chủ trương xây dựng, bản làng mới này có tên là làng di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi quyết định đặt tên của làng thành làng nghĩa tình Sơn Hải.
Vì ngôi làng này được xây dựng bằng tình người chứ không có bất cứ ràng buộc nào về lợi ích. Và khi gắn chữ Sơn Hải vào tên làng thì chúng tôi đã chọn việc gắn luôn uy tín và trách nhiệm của mình vào đó. Khi đó, chúng tôi cũng sẽ đồng hành cùng bà con trong bản làng này trên hành trình ổn định và phát triển về sau.
Việc làm nhiều ý nghĩa
Ông Trần Bình Thuận, chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, nói vùng Hướng Lập này có nhiều khu dân cư ở rất xa trung tâm. Mỗi năm mùa mưa bão đến là những khu này liên tục bị chia cắt.
Việc đưa những hộ dân ở các khu vực thường xuyên bị chia cắt này ra bản mới với điều kiện thuận lợi và an toàn hơn là việc làm mang nhiều ý nghĩa của doanh nghiệp. Việc di dời được toàn bộ 32 hộ dân bản Cuôi ra bản mới sẽ giúp người dân bản này thoát cảnh bị cô lập triền miên khi mùa mưa đến.
Bà Hồ Thị Ven, chủ tịch UBND xã Hướng Lập, xác nhận theo quy hoạch, khu vực lòng hồ thủy điện sẽ không vào đến các khu dân cư ở bản Cuôi cũng như những hộ dân các bản gần trung tâm xã. Cùng lắm thì khi mưa lớn nước lòng hồ có thể ảnh hưởng đến một số đoạn đường ven suối.
"Hiện doanh nghiệp chưa triển khai trên thực địa và cũng chưa biết có triển khai không nên chưa thể nói cụ thể. Mà có triển khai thủy điện hay không thì việc di dời các hộ dân ra nơi ở mới gần trung tâm xã cũng giúp dân bản thoát cảnh bị cô lập khi mùa mưa đến và cũng có điều kiện sống tốt hơn về y tế, giáo dục cũng như tiếp cận cuộc sống văn minh", bà Ven nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận