Sau kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội khóa XV, trước thềm năm mới Xuân Quý Mão 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc trò chuyện cởi mở với phóng viên Tuổi Trẻ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tuyệt đối không cài cắm lợi ích cục bộ vào luật - Ảnh 1.

* Thưa Chủ tịch, Quốc hội có nên "bình thường hóa" các kỳ họp "bất thường" để giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền, để Quốc hội Việt Nam làm việc thường xuyên như nghị viện các nước?

- Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội. Quốc hội khóa XV đã hai lần áp dụng quy định này.

Lần đầu tiên Quốc hội đã chủ động tổ chức kỳ họp bất thường vào những ngày đầu năm 2022 nhằm giải quyết kịp thời, cấp bách hai nhiệm vụ song song - vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, xã hội, không chỉ đáp ứng cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo.

Chúng tôi nhận thấy cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm, đánh giá cao những vấn đề được Quốc hội quyết định tại các kỳ họp bất thường. Đặc biệt là gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế 360.000 tỉ đồng (tương đương trên 8% GDP) và việc Quốc hội ban hành 1 luật sửa đổi 8 luật, là nguồn lực và căn cứ pháp lý quan trọng để Chính phủ, các địa phương triển khai thực hiện, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), thời gian tới, Quốc hội sẽ có cơ sở vững chắc, tập trung nâng cao hiệu quả tổ chức các kỳ họp bất thường. Tất nhiên, phải dựa trên nguyên tắc chỉ tổ chức kỳ họp bất thường với các vấn đề thực sự cấp thiết, đột xuất, được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín muồi, có sự đồng thuận, thống nhất cao.

* Ông đánh giá thế nào về những kết quả nổi bật trong hoạt động lập pháp kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, với tinh thần chuẩn bị "từ sớm, từ xa", tiết kiệm thời gian, khẩn trương vào cuộc với những vấn đề cấp thiết, cần thiết của đất nước?

- Để khắc phục tình trạng bị động, lúng túng và thiếu toàn diện trong công tác lập pháp, Đảng đoàn Quốc hội đã trình với Bộ Chính trị ban hành kết luận 19 năm 2021. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một văn bản chính trị - pháp lý rất quan trọng, nhằm định hướng nhiệm vụ lập pháp cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đồng thời làm cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và các cơ quan hữu quan chủ động, tích cực, triển khai toàn diện và tổng thể hơn công tác xây dựng pháp luật.

Đây cũng là là cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế, bảo đảm công tác xây dựng pháp luật luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng. Qua đó, góp phần hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một trong ba đột phá chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tuyệt đối không cài cắm lợi ích cục bộ vào luật - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV - Ảnh: Quochoi.vn

Kết luận 19 của Bộ Chính trị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cụ thể hóa thông qua việc ban hành kế hoạch số 81 năm 2021, xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Sau khoảng một năm thực hiện, đã có 81/137 nhiệm vụ lập pháp hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát hoặc nghiên cứu, xây dựng mới (đạt 59,12% nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ). Đặc biệt đã có 37/81 nhiệm vụ lập pháp được Quốc hội, UBTVQH ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Quốc hội đã có những giải pháp linh hoạt về lập pháp, kịp thời giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc về thể chế, pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình thực tế, nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch.

Có thể kể đến các Nghị quyết đã được Quốc hội, UBTVQH ban hành kịp thời như Nghị quyết số 30/2021/QH15 (được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ nhất) về các giải pháp cấp bách trong phòng, chống đại dịch COVID-19; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số ô tô; và hiện nay Quốc hội đang tích cực xây dựng Nghị quyết thay thế cho Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tuyệt đối không cài cắm lợi ích cục bộ vào luật - Ảnh 3.

* Theo ông, Quốc hội cần làm gì để các đạo luật sau khi được ban hành thì sớm đi vào cuộc sống, không cần nhiều các nghị định, thông tư hướng dẫn và luật có "tuổi thọ" dài, tính ổn định cao?

- Điều quan trọng nhất đạo luật đó phải tốt cả về nội dung và hình thức. Luật phải phải phản ánh được thực tiễn cuộc sống, đưa hơi thở cuộc sống vào các quy định, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, hợp hiến, bảo đảm tính thống nhất trong nội tại và trong cả hệ thống pháp luật, có nội dung điều chỉnh rõ ràng, minh bạch, khả thi, có tính dự báo trước và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về hình thức, đạo luật đó phải được xây dựng theo quy trình, thủ tục khoa học, chặt chẽ. Các chính sách của luật phải được đánh giá tác động đầy đủ, thực chất, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến cơ quan, tổ chức, nhân dân theo quy định.

Tuyệt đối không được cài cắm, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào trong các quy định của luật. Thủ tục hành chính nếu có thì phải rõ ràng, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; phải tuân thủ đúng quy định về thể thức, kỹ thuật văn bản... Đồng thời, quy định của luật phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tuyệt đối không cài cắm lợi ích cục bộ vào luật - Ảnh 4.

Thực tiễn đã chứng minh, những luật chỉ quy định chung chung, khái quát theo kiểu "luật khung, luật ống" có ưu điểm ổn định nhưng để đi vào cuộc sống phải có nhiều văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn thi hành kèm theo, dẫn đến tình trạng luật ban hành xong không thi hành được ngay mà phải chờ nghị định, trong khi nghị định lại chờ thông tư.

Trong thực tế có những trường hợp các văn bản hướng dẫn có trường hợp lại không phù hợp với quy định của luật, phát sinh thủ tục hành chính mới, gây khó khăn, cản trở đối với người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, cần xây dựng các đạo luật với các quy định rất cụ thể, rõ ràng.

Cụ thể ở đây không có nghĩa vấn đề nào, nội dung gì cũng cụ thể, chi tiết, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của luật. Nếu luật quy định quá chi tiết, quá cụ thể khi thực tiễn thay đổi sẽ phải tiến hành sửa luật cho phù hợp với thực tế.

Hơn nữa, vấn đề mấu chốt là các cơ quan được giao nhiệm vụ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành phải khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản được giao, bảo đảm phù hợp về nội dung và có hiệu lực đồng thời với luật của Quốc hội để luật dễ dàng đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, vì hiện nay công tác này vẫn là một khâu yếu, kỷ luật, kỷ cương nhìn chung chưa nghiêm.

* Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những vấn đề rất lớn mà thực tiễn đang gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ như pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu thầu… Ông đánh giá thế nào về triển vọng giải quyết các vấn đề lớn này thông qua hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội?

- Với thành tựu, bề dày lịch sử hoạt động 77 năm và những kết quả bước đầu rất quan trọng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có đủ cơ sở tin tưởng rằng Quốc hội khóa XV, thông qua hoạt động lập pháp, sẽ giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Đặc biệt là những vấn đề lớn mà thực tiễn đang gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Thứ nhất, công tác lập pháp luôn được Quốc hội tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, chặt chẽ, đúng quy trình, có nhiều đổi mới và cải tiến. Lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo sát sao các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình đầy đủ, kịp thời, thấu đáo ý kiến của đại biểu.

Trong đó. những vấn đề còn quan điểm khác nhau được xem xét thận trọng để có phương án tối ưu nhất trong việc tiếp thu, chỉnh lý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tuyệt đối không cài cắm lợi ích cục bộ vào luật - Ảnh 5.

Các đại biểu Quốc hội tham dự một phiên họp tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV - Ảnh: Quochoi.vn

Thứ hai, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án, dự thảo luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, "từ sớm, từ xa" với tinh thần trách nhiệm cao và nhiều cách làm mới.

Đặc biệt, đối với những dự án luật quan trọng, phức tạp như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội, UBTVQH phải có cách làm mới, ban hành kế hoạch trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật. Chính phủ cũng ban hành kế hoạch hoàn thiện dự án luật.

Đây không chỉ là cách làm mới, sáng tạo mà còn thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ. Vừa qua, UBTVQH đã ban hành nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật này để huy động được trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân.

Thứ ba, các vị đại biểu Quốc hội đều tích cực nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết, xác đáng và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng với mục đích nâng cao chất lượng các dự án, dự thảo. Các ý kiến này đều được Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp, tiếp thu đầy đủ.

Chẳng hạn, tại kỳ họp thứ 4 đã có 228 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 45 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); 180 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 18 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)...

Với cách làm nêu trên, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của cử tri và nhân dân cả nước, sự phối hợp tích cực của các cơ quan, hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội nhất định sẽ ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn. Từ đó, góp phần tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tuyệt đối không cài cắm lợi ích cục bộ vào luật - Ảnh 6.
LÊ KIÊN - THÀNH CHUNG
PHẠM THẮNG - DOÃN TẤN
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp