Sáng 14-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 39 để xem xét nhiều nội dung quan trọng.
Xem xét nhiều nội dung quan trọng
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ phiên họp dự kiến trong 2 ngày, thực hiện 12 nội dung gồm xem xét, cho ý kiến với 9 dự án luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 kỳ họp và 3 nội dung khác thuộc thẩm quyền.
9 dự luật gồm Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Dữ liệu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật.
Đồng thời, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng khác như xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, TP gồm An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP.HCM, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Ngoài ra, hiện các cơ quan đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Vì vậy, nếu có phát sinh vấn đề phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể bố trí xem xét các nội dung này vào thời gian dự phòng ngày 19-11.
Ông đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, kịp thời báo cáo để nêu những nội dung thực sự cần thiết, các vấn đề cần xin ý kiến để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.
Với một số nội dung có thể được thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp nếu đủ điều kiện như Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi)...
Do đó, đề nghị các cơ quan chủ trì nội dung thể hiện quan điểm rõ ràng có bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 hay chưa, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, xem xét.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Theo ông Mẫn, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã đi được 2/3 thời gian và đang diễn ra đúng theo kế hoạch.
Cụ thể, đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.
Ông Mẫn nhấn mạnh một số điểm chính về đợt 1 của kỳ họp. Theo đó, tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm phiên khai mạc kỳ họp và văn bản của Chủ tịch Quốc hội về đổi mới trong xây dựng pháp luật đã được đại biểu Quốc hội đồng thuận, đánh giá cao.
Trong phần góp ý của các đại biểu đã thể hiện tinh thần luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc thông tư, nghị định; tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.
Chính vì thế, nhiều dự thảo luật đã giảm đáng kể các điều, khoản. Dự thảo Luật Đầu tư công giảm 9 điều; 1 Luật sửa 4 luật giảm 6 điều; Luật Việc làm giảm 36 điều; Luật Nhà giáo giảm 21 điều…
Một số các luật, nghị quyết được người dân, doanh nghiệp rất quan tâm, mong đợi như Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Cùng với đó là Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật...
Ông Mẫn cho rằng không khí nghị trường, các cuộc thảo luận ở tổ sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, sâu sắc, phản ánh khách quan, toàn diện những vấn đề thực tiễn.
Kết thúc đợt 1, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về công tác nhân sự và 3 nghị quyết, cho ý kiến đối với 19/22 dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại đợt 2.
"Có thể nhận xét, đợt 1 của kỳ họp đạt được nhiều kết quả quan trọng, các nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng, được đại biểu Quốc hội đánh giá cao", ông Mẫn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận