Sáng 18-1, phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi, hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đúng theo Hiến pháp 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng.
Bài học kinh nghiệm quý
Việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi, cùng với Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực đồng thời từ ngày 1-1-2025, theo ông Huệ, đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông nhấn mạnh đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, từ sớm với nỗ lực, quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ... các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân.
"Đây là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội", ông Huệ nói thêm.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý sở hữu chéo
Với Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được Quốc hội thông qua, ông Huệ nhấn mạnh sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế... Đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại có giá trị gia tăng cao...
Phân định rõ thẩm quyền, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tổ chức tín dụng...
Ông đề nghị Chính phủ chú trọng công tác tổ chức, quán triệt, tuyên truyền... khẩn trương nghiên cứu, tiếp tục đề xuất hoàn thiện pháp luật về ngân hàng nhà nước, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và pháp luật có liên quan để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện các quy định của luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ thành công của kỳ họp đầu tiên trong năm mới 2024, ông đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần "lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển".
Ông đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các nghị quyết của trung ương, Quốc hội và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại nghị quyết của Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, không để xảy ra tình trạng "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận