
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại lễ kỷ niệm 1.015 năm ngày Lý Thái Tổ lên ngôi hoàng đế - Ảnh: HÀ QUÂN
Tối 13-4, UBND thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) tổ chức lễ kỷ niệm 1.015 năm ngày Lý Thái Tổ lên ngôi hoàng đế (ngày 15-3 năm Canh Tuất 1010 - 15-3 năm Ất Tỵ 2025) trong khuôn viên khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Đô.
Đền Đô nguyên là Thái miếu nhà Lý, do vua Lý Thái Tổ khởi dựng năm 1019. Thái miếu là miếu thờ "Hồn thiêng sông núi" của đất nước.
Bắc Ninh sẽ mở rộng quy mô kinh tế, phát huy các di sản văn hóa
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Kinh Bắc xưa và Bắc Ninh ngày nay là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, trong đó có dân ca Quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo ông Mẫn, Bắc Ninh đã dành nhiều sự quan tâm, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản, đầu tư kinh phí để nghiên cứu, trùng tu, tu bổ. Tỉnh chăm lo, khuyến khích đội ngũ nghệ nhân - những "báu vật nhân văn sống", góp phần bảo tồn, phát huy, lan tỏa di sản văn hóa tỉnh Bắc Ninh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân Bắc Ninh tiếp tục thực hiệu quả các chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Nhắc lại lời căn dặn "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của Bác Hồ, tỉnh cần quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, có trọng tâm, trọng điểm.
Nghiên cứu các giải pháp "đưa di sản văn hóa đến gần hơn nữa với người dân" và làm cho các giá trị văn hóa luôn sống động và trường tồn, đồng thời thúc đẩy công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa. Tăng cường giáo dục, phổ biến các di sản quý giá, đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa phương được sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính. Việc này sẽ mở rộng quy mô kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và tận dụng tối đa tiềm năng phát triển, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống người dân. Đồng thời tạo thêm không gian mới cho việc phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh.

Đại diện thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với đình Đình Bảng, bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với Nhà lưu niệm Lê Quang Đạo và quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - Ảnh: HÀ QUÂN
Trách nhiệm xây dựng đất nước xứng đáng với Đức vua Lý Thái Tổ
Trong lễ kỷ niệm, ông Vương Quốc Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - ôn lại câu chuyện ngày rằm tháng ba năm Canh Tuất 1010, vào chính ngọ, Lý Công Uẩn chính thức làm lễ lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Thuận Thiên.
"Việc Lý Thái Tổ lên ngôi và sau đó ban chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đặt tên kinh đô mới là Thăng Long không chỉ mang ý nghĩa địa - chính trị chiến lược, mà còn thể hiện tầm nhìn xa trông rộng và bản lĩnh kiệt xuất của một bậc minh quân", ông Vương Quốc Tuấn nêu rõ.
Theo người đứng đầu UBND tỉnh Bắc Ninh, vị vua khởi thủy triều Lý còn ban hành nhiều kế sách phát triển kinh tế, mở rộng bang giao đối ngoại, xây dựng nên một vương triều thịnh trị suốt 216 năm và trải qua 9 đời vua.
"Được thừa hưởng giá trị, nền tảng của cha ông để lại, chúng ta càng nhận rõ trách nhiệm lớn lao trước lịch sử và dân tộc, quyết tâm tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với công lao và sự nghiệp vẻ vang mà vua Lý Thái Tổ trao truyền lại cho chúng ta", lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn - Ảnh: HÀ QUÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận