09/02/2024 06:13 GMT+7

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM có rất nhiều động lực phát triển, bứt phá trong năm 2024

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mong muốn người dân, doanh nghiệp, cơ quan tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo để đồng hành với TP tăng tốc về đích.


Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời phỏng vấn báo chí về định hướng phát triển năm 2024 - Ảnh: THẢO LÊ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời phỏng vấn báo chí về định hướng phát triển năm 2024 - Ảnh: THẢO LÊ

2024 là năm có ý nghĩa quan trọng thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những động lực tăng trưởng cho năm tới.

Thời cơ phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam

* Thưa ông, năm 2024 TP đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8%, đây là một thách thức rất lớn. TP làm gì để đạt được mục tiêu này?

- Mục tiêu này tuy thách thức nhưng TP đặt ra phấn đấu, phù hợp với định hướng phát triển mà nghị quyết 24, nghị quyết 31 đề ra cho TP. Để làm được việc đó, bên cạnh ba động lực tăng trưởng cơ bản là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, TP cũng vận dụng nghị quyết 98 để thúc đẩy các lĩnh vực mới.

Bến Bạch Đằng (ga buýt sông ở trung tâm quận 1, TP.HCM) nhìn từ trên cao  - Ảnh: CHÂU TUẤN 

Bến Bạch Đằng (ga buýt sông ở trung tâm quận 1, TP.HCM) nhìn từ trên cao - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đồng thời, TP cũng nghiên cứu các mô hình kinh doanh mới để thu hút đầu tư xã hội vào hạ tầng, khoa học công nghệ; phát triển đầu tư chiến lược, phát triển tiêu dùng mới và hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, đầu tư chiến lược… 

* TP đang thu hút đầu tư xã hội vào hạ tầng. Một trong những dự án được quan tâm hiện nay là "siêu cảng" Cần Giờ, tiến độ đến nay ra sao?

- Hiện Bộ Giao thông vận tải đang trình hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cảng. TP cũng đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan hoàn thiện hồ sơ về dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để trình Chính phủ.

Chúng tôi thấy rằng thời điểm này chính là cơ hội để phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam, để Việt Nam có điều kiện tham gia sâu vào chuỗi hàng hải thế giới. Nếu kịp, dự án chính là cơ hội, còn chậm thì chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội và nếu muốn đầu tư trở lại sau này sẽ mất rất nhiều thời gian.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thị sát khu vực dự kiến làm cảng Cần Giờ hồi tháng 7-2023 - Ảnh: HỮU HẠNH

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thị sát khu vực dự kiến làm cảng Cần Giờ hồi tháng 7-2023 - Ảnh: HỮU HẠNH

* Dự án này có ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển và rừng phòng hộ Cần Giờ hay không? 

- Quá trình nghiên cứu, TP đã đánh giá rất kỹ lưỡng và thấy có ảnh hưởng nhưng ở mức độ rất thấp so với tính hiệu quả của dự án. Tất yếu công nghệ xây dựng cảng phải là công nghệ xanh, làm sao khi vận hành ít tác động đến môi trường nhất.

Ngoài ra, quá trình xây dựng sẽ ảnh hưởng đến một phần nhỏ vùng đệm của rừng, TP có kế hoạch rừng trồng thay thế với diện tích gấp 3 lần. TP sẽ nghiên cứu và triển khai dự án này rất cẩn trọng trên tinh thần không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Còn về tính cạnh tranh với cảng Cái Mép - Thị Vải, bước đầu nghiên cứu cho thấy hai cảng sẽ có sự tương trợ nhiều hơn là triệt tiêu nhau. Đây sẽ là một cụm cảng nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam với các cảng của quốc tế.

Về giao thông kết nối đến cảng, chuyên gia cũng gợi ý tiếp cận từ cảng Cái Mép phía Bà Rịa - Vũng Tàu bằng đường trên cao. TP thấy rằng đây là ý kiến hay. 

Đầu tư công vẫn là động lực tăng trưởng

 Bến buýt sông Sài Gòn nối liền bến Bạch Đằng - Thủ Thiêm sau 13 năm vừa được khánh thành hôm 7-2 - Ảnh: CHÂU TUẤN 

Bến buýt sông Sài Gòn nối liền bến Bạch Đằng - Thủ Thiêm sau 13 năm vừa được khánh thành hôm 7-2 - Ảnh: CHÂU TUẤN

* Chuyển đổi số là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của TP.HCM được đề ra trong chủ đề năm. Như vậy, làm thế nào để chuyển đổi số thực sự là xung lực cho sự phát triển?

- Cụ thể về chuyển đổi, TP tập trung phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. TP quyết tâm tạo ra bước tiến mới, nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số và xây dựng TP thông minh.

TP đang phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung kết nối cơ sở dữ liệu của quốc gia. Năm 2024, TP sẽ phát triển cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng, phát huy cơ sở dữ liệu dân cư theo đề án 06.

Đầu tư cho hạ tầng số, nhất là hạ tầng cơ sở để các cơ quan vận hành thông suốt, phát triển đồng bộ các nền tảng, các ứng dụng dùng chung toàn TP. Trong đó, vận hành hệ thống quản trị thực thi của chính quyền TP, "app công dân" để tạo kênh giao tiếp giữa công dân và chính quyền các cấp. Đào tạo nguồn nhân lực cho công tác chuyển đổi số.

Đồng thời TP sẽ phát huy hoạt động Trung tâm chuyển đổi số TP vừa thành lập. Đây sẽ là công cụ mạnh giúp công cuộc chuyển đổi số TP được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

* Đầu tư công cũng là một trong những động lực rất lớn và quan trọng. TP đã có giải pháp gì để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trong đầu tư công?

- Năm 2024, TP được giao nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là 80.000 tỉ đồng. Dù đây là khối lượng rất lớn nhưng nếu giải ngân tốt sẽ giúp TP tăng trưởng rất tốt.

TP đã rất chủ động đề ra các giải pháp ngay từ đầu năm, xác định trách nhiệm của từng chủ đầu tư, lên kế hoạch giải ngân vốn cho từng đơn vị, từng dự án. Các đơn vị được giao phải theo sát tiến độ, kịp thời phối hợp cùng nhau để tháo gỡ, báo cáo tình huống kịp thời để điều chỉnh vốn.

Công trường dự án đường vành đai 3 đoạn qua khu Vinhomes Grand Park, TP Thủ Đức nhìn từ trên cao. Theo thiết kế, ở giữa công trường là phần cầu cạn, hai bên là đường song hành - Ảnh: CHÂU TUẤN

Công trường dự án đường vành đai 3 đoạn qua khu Vinhomes Grand Park, TP Thủ Đức nhìn từ trên cao. Theo thiết kế, ở giữa công trường là phần cầu cạn, hai bên là đường song hành - Ảnh: CHÂU TUẤN

TP đặt yêu cầu thời gian giải quyết thủ tục liên quan đến đầu tư công phải giảm 30%.

TP cũng nêu cao trách nhiệm của các bên liên quan nhà thầu, đơn vị tư vấn, làm việc thường xuyên để đốc thúc và xử lý nếu có trường hợp làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình. TP lập tổ công tác về giải phóng mặt bằng để tháo gỡ sớm các vướng mắc và theo sát công tác điều hành vốn, có kế hoạch điều chỉnh khi cần thiết.

Tại các hội nghị, tôi nói rất nhiều lần là trước hết phải điều chỉnh tinh thần trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công. Đó là trách nhiệm của chủ đầu tư trong kế hoạch của từng dự án. Trách nhiệm của sở ngành trong phối hợp giải quyết các hồ sơ thủ tục. Trách nhiệm của cơ quan thường trực là Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Căn cứ theo quy chế phối hợp của quyết định 2536 giữa các sở ngành, quận huyện TP sẽ có đánh giá kết quả. TP sẽ xử lý trách nhiệm hằng tháng, hằng quý tùy theo mức độ.

* Trước thềm Tết Nguyên đán, ông có thông điệp gì gửi đến người dân, doanh nghiệp cùng đồng hành cùng chính quyền TP thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ?

- Tôi luôn mong muốn bà con nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan tiếp tục phát huy kết quả đạt được của năm 2023, tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo để triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm. Tăng tốc để TP đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024 và sẵn sàng về đích năm 2025.

* Cảm ơn ông.

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM trình đề án cảng Cần Giờ trong quý 1Thủ tướng yêu cầu TP.HCM trình đề án cảng Cần Giờ trong quý 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP.HCM phối hợp các bộ ngành sớm hoàn thành đề án cảng Cần Giờ trình cấp có thẩm quyền trong quý 1 để xem xét tác động môi trường và cho chủ trương đầu tư.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp