Sáng 13-1, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết năm 2023, TP được giao vốn đầu tư công rất lớn với hơn 68.000 tỉ đồng, chiếm 10% vốn cả nước. Tính đến 12-1-2024, TP đã giải ngân 45.866 tỉ đồng, đạt 67% tổng vốn.
Mặc dù tỉ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu nhưng ông Mãi cho rằng đây là kết quả đáng ghi nhận, số vốn giải ngân năm 2023 hơn 1,7 lần so với năm 2022. Đến nay, 20 quận huyện và TP Thủ Đức đã giải ngân trên 90% (trong đó có 16 quận huyện giải ngân trên 95%). Có 20 sở ngành giải ngân trên 95%, 12 sở ngành giải ngân 80-95%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chủ tịch UBND TP.HCM đã phân tích hơn 10 hạn chế, vướng mắc ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân của TP và đề nghị đánh giá đầy đủ để đề ra giải pháp cho năm 2024.
Trong đó, ông Mãi yêu cầu đề ra giải pháp rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư. Thực tế có nhiều dự án được giao chuẩn bị đầu tư từ ngày 26-9-2022 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt. Ông nhìn nhận đây là một trong những lý do làm kéo dài dự án đầu tư công, cản trở giải ngân.
"Việc chuẩn bị hồ sơ dự án cần điều chỉnh gì để rút ngắn quy trình thủ tục. Nhưng tôi nghĩ trên hết chúng ta phải điều chỉnh tinh thần trách nhiệm", ông Mãi nhận định.
Bên cạnh đó là những vướng mắc trong bố trí vốn trung hạn, lập danh mục dự án ưu tiên đầu tư. Tính đồng bộ, chặt chẽ, toàn diện trong triển khai dự án chưa cao. Qua rà soát còn nhiều dự án dự kiến triển khai giải phóng mặt bằng trong năm nhưng không đưa vào danh mục dự án thu hồi đất trình HĐND TP.
Ông dẫn chứng như dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi, UBND TP cho ý kiến là phải làm nhanh, khởi công trước 30-4-2025 nhưng tờ trình HĐND TP xin thu hồi đất năm 2024 lại không có dự án này. Ở đây phải nói đến sự phối hợp giữa chủ đầu tư, địa phương và cơ quan trình.
Nguyên nhân tiếp theo, ông Mãi cho rằng có vướng mắc về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch để lập dự án đầu tư công. Phải có giải pháp làm nhanh, không để UBND TP đã cho chủ trương nhưng quận huyện hỏi ý kiến Sở Quy hoạch Kiến trúc mất thời gian.
Ngoài ra là vướng mắc trong thẩm định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, làm phương án giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là xác định giá đất bồi thường cho tiệm cận giá thị trường để tạo sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là giá đất nông nghiệp xen cài.
Đáng chú ý, ông Mãi cho rằng cần có giải pháp xử lý nhà thầu năng lực yếu kém, chây ì, vi phạm hợp đồng. Thời gian qua, TP đã xử lý trách nhiệm cơ quan hành chính và cán bộ đứng đầu, các chủ đầu tư thì bây giờ phải xử lý các bên liên quan, nhất là nhà thầu.
Công tác phối hợp giữa các địa phương trong triển khai đầu tư công cũng có hạn chế.
"Có tình trạng quận huyện ưu tiên làm dự án của mình, dự án của TP làm sau. Chủ đầu tư tiếp xúc thường xuyên thì ưu tiên dành thời gian, còn không thì làm từ từ. Phải thảo luận có chuyện này hay không?", ông Mãi nói.
Quý 1-2024 phải giải ngân 12% vốn đầu tư công
Thông tin thêm, ông Mãi cho biết đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP thống kê tỉ lệ giải ngân đầu tư công quý 1-2021, 2022, 2022. Kết quả giải ngân quý 1-2021 đạt 11-12% nhưng quý 1-2022 thấp và quý 1-2023 rất thấp. Nhất là quý 1-2023 chỉ giải ngân trên 2% trong 68.000 tỉ đồng.
Năm 2024, TP được giao giải ngân trên 75.000 tỉ đồng. Ông Mãi đề nghị ngay trong quý 1-2024 phải giải ngân được 12%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận