25/11/2015 05:49 GMT+7

​Chủ tịch nước xúc động với “tàu biển Đông” của kiều bào Đức

V.V.THÀNH (từ Berlin)
V.V.THÀNH (từ Berlin)

TTO - Chiều qua 24-11 tại Berlin (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi nói chuyện thân mật và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đại diện cộng đồng người Việt và lưu học sinh tại Đức.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với kiều bào tại Berlin - Ảnh: V.V.T

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hoà liên bang Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Trong hội trường chật kín chỗ ngồi, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng cho biết tham dự ở đây không chỉ có kiều bào ở Berlin, nhiều bà con người Việt ở các khu vực cách xa Berlin từ 200 đến 500 km đã vượt đường xa trong giá lạnh để đến tham dự cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Đặc biệt đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới nước Đức thống nhất (1990) và đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1975 - 2015).

TS Phạm Ngọc Kỳ, Chủ tịch Hội doanh nghiệp người Việt tại Đức, cho biết hiện nay ở Đức có khoảng 130.000 người Việt Nam đang sinh sống, hàng nghìn người là chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành công.

Ông Kỳ nhắc lại sau khi nước Đức thống nhất, tình trạng thất nghiệp tại các bang miền Đông tăng lên rất nhanh, trong đó có nhiều người lao động Việt Nam. Chính phủ liên bang đưa ra đề nghị đối với số người Việt sống tại các bang miền Đông hồi đó, họ sẽ nhận được toàn bộ chi phí để hồi hương, ngoài ra người lao động còn được hưởng thêm một khoản tiền bồi thường là 3.000 DM nếu trở về.

Nhưng nhiều người đã quyết định ở lại vì nhìn thấy ở đây những cơ hội tốt hơn cho tương lai của con cái họ như hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

Hiện nay ngành nghề phổ biến nhất và thành công nhất của người Việt tại Đức là kinh doanh nhà hàng ẩm thực, nhiều bà con từ chỗ bán hàng ăn xe đẩy trên hè phố nay đã vươn lên làm chủ các chuỗi nhà hàng trên khắp nước Đức. Ngành nghề phổ biến thứ hai là làm nail, tiếp theo là xuất nhập khẩu hàng dệt may, giày dép...

Không chỉ tự hào vì nghị lực vượt khó của cộng đồng, TS Kỳ nói càng tự hào hơn nữa khi thế hệ người Việt thứ hai (bao gồm con em người lao động đến thời điểm thống nhất nước Đức có độ tuổi dưới 14, vẫn còn sống tại Việt Nam được bố mẹ đón sang theo chính sách đoàn tụ gia đình và các cháu được sinh ra tại nước Đức sau thời điểm nói trên) trên đất Đức luôn là những học sinh thuộc nhóm học giỏi nhất, được sự tôn trọng của người dân nước sở tại.

Trong không khí thân mật của cuộc gặp gỡ, TS Hùng đã đọc tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hai câu thơ trong bài “Nhìn từ xa... Tổ quốc!” của nhà thơ Nguyễn Duy: “Dẫu ở đâu vẫn tổ quốc trong lòng / Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”.

Ông Nguyễn Văn Hiền, người sở hữu trung tâm thương mại Đồng Xuân, một trong những điểm đến mua sắm và du lịch ở Berlin, tự hào giới thiệu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng cộng đồng người Việt tại Đức là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên đã tổ chức quyên góp đủ để đóng một con tàu chủ quyền gửi về cho đất nước.

Đồng thời một nhạc sĩ người Việt trong cộng đồng sau khi được đến thăm Trường Sa, đã sáng tác bài hát “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, bài hát này trở thành điệp khúc quen thuộc mỗi khi có sinh hoạt cộng đồng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các học sinh, sinh viên người Việt Nam tại Berlin - Ảnh: V.V.T

Trò chuyện với bà con, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Tôi hết sức xúc động được biết bà con kiều bào ở Đức là những kiều bào đầu tiên trên thế giới đã tổ chức quyên góp tiền để đóng một chiếc tàu cho Trường Sa. Tôi hoan nghênh việc làm này, và thấu hiếu rằng dù ở xa tổ quốc ngàn dặm nhưng bà con luôn coi đất đai, biển đảo của tổ quốc là máu thịt của mình”

Chủ tịch nước khẳng định với mỗi người Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước thì chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng. Chúng ta nhớ lời dạy của vua Lê Thánh Tông: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di"

“Ông cha chúng ta như thế, đến đời chúng ta cũng phải thế” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước nêu rõ đường lối của Việt Nam về biển Đông là trước sau như một, thông qua biện pháp hoà bình, thông qua đối thoại, thông qua luật pháp quốc tế. Đường lối đó phù hợp với xu thế thời đại. Cũng có người hỏi “vậy thì kiện tụng thế nào”, không loại trừ, vì đây là một biện pháp hoà bình. Cùng với đó, không loại trừ việc bạn bè thế giới ủng hộ Việt Nam, “vì chúng ta có chính nghĩa”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận tập thơ Chế Lan Viên dịch sang tiếng Đức của một người bạn Đức - Ảnh: V.V.T

Kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam

Tại buổi nói chuyện, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  đã thông báo tình hình kinh tế xã hội của đất nước cũng như chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với kiều bào sinh sống xa quê hương.

Chủ tịch nước đã điểm lại những thành tựu to lớn của đất nước sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới và cho biết, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức 6%/năm.

Chủ tịch nước Trương  Sang nhấn mạnh những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được có phần đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Đức.

Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi chứng kiến cộng đồng người Việt ở Đức là một trong những cộng đồng hội nhập vào sở tại thành công nhất và ngày càng có nhiều người Việt thành đạt trên các lĩnh vực kinh doanh, khoa học - công nghệ, giáo dục, một số người đã giữ vị trí trong chính trường sở tại.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao và cảm ơn bà con người Việt Nam tại Đức đã có những hoạt động thiết thực hướng về quê hương, gắn kết cội nguồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho các bạn bè Đức hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và khẳng định Đảng và Nhà nước rất quan tâm chăm sóc, bảo vệ lợi ích cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn cộng đồng người Việt Nam tại Đức phát huy tinh thần đoàn kết, tâm lực giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

Cũng trong chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi gặp gỡ với những người bạn Đức.

Sau lời khai mạc của Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, Giáo sư Giesenfeld (Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam tại CHLB Đức) và ông Sommer (Chủ tịch Hội hữu nghị Đức - Việt) cùng một số đại diện các Tổ chức phi chính phủ đã phát biểu chào mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao tới thăm Đức, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của các tổ chức, cá nhân, những người đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết của mình cho đất nước Việt Nam.

 

V.V.THÀNH (từ Berlin)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp