Tiếp tục các hoạt động tại thành phố San Francisco (Mỹ), sáng 16-11 (giờ Mỹ, rạng sáng 17-11 theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và đặc phái viên tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry.
Malaysia mong sớm đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Gặp Chủ tịch nước, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chia sẻ ấn tượng sâu sắc về chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7 vừa qua và cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của phía Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Malaysia, cảm ơn tình cảm Thủ tướng Anwar Ibrahim dành cho Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông mong muốn hai bên cùng phối hợp thúc đẩy thương mại - đầu tư, phấn đấu đạt kim ngạch 18 tỉ USD trong thời gian tới.
Ông cũng đề nghị Chính phủ Malaysia quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal vào thị trường Malaysia.
Chủ tịch nước cảm ơn và mong muốn Malaysia mở rộng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, mở rộng hợp tác địa phương mà trước mắt là ký kết thành phố kết nghĩa giữa Hội An và Melaka.
Ông đề nghị Malaysia tạo điều kiện cho Việt Nam vận động Liên minh châu Âu gỡ thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam, tiếp tục phối hợp hiệu quả trong hoạt động hồi hương ngư dân Việt Nam.
Về phần mình, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chia sẻ các đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và khẳng định Malaysia đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Ông cũng bày tỏ được đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới thăm Malaysia trong thời gian sớm nhất.
Malaysia mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về kinh tế - thương mại - đầu tư, tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực và tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hiệp Quốc, APEC.
Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam các mục tiêu khí hậu
Cũng trong sáng 16-11 theo giờ Mỹ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp đặc phái viên của tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch nước đánh giá cao việc hai bên đang tích cực triển khai các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, phát triển quan hệ ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, ổn định.
Ông hoan nghênh Mỹ tăng cường hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà đặc phái viên John Kerry thời gian qua quan tâm thúc đẩy như ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Ông khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực này, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đáp ứng lợi ích và quan tâm của nhân dân hai nước.
Ông nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng cần phải đảm bảo nguyên tắc công bằng. Việt Nam đang tiếp tục triển khai các biện pháp tổng thể và quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong đó có việc thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với trọng tâm là sự chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới, hướng tới phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam vào năm 2050.
Đặc phái viên John Kerry cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành thời gian tiếp đoàn, khẳng định Mỹ nhất quán coi trọng quan hệ với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam đóng vai trò chủ động, thực chất tại khu vực.
Ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, kiểm soát ô nhiễm, quản lý bền vững tài nguyên.
Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có theo cách thân thiện với môi trường và với chi phí hợp lý nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu.
Đặc phái viên Mỹ đánh giá cao việc Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất kế hoạch huy động nguồn lực để triển khai thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Ông cũng nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng triển khai hợp tác cấp cao với Việt Nam để thúc đẩy COP28 đạt những kết quả tích cực.
Với tư cách là người bạn lâu năm của Việt Nam, ông John Kerry cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận