Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện cùng cử tri Q.4, TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định tham nhũng ngày càng tinh vi, không phải một người riêng lẻ mà có dây mơ rễ má, hình thành những nhóm, một xâu chuỗi để bao che, bảo vệ nhau.
Đừng “tắm từ vai trở xuống”
Cử tri Phan Ngọc Long (P.8, Q.4) cho rằng tham nhũng vẫn nghiêm trọng, vẫn nguy hại đối với đất nước.
Ông kiến nghị Đảng, Nhà nước cần nghiêm trị tham nhũng đối với mọi cấp, không phải làm theo kiểu nhận thức “tắm từ vai trở xuống”.
Có làm như vậy mới tạo được niềm tin của nhân dân.
Cử tri Vũ Hoàng Ninh (P.13, Q.4) hỏi lý do vì sao khi thu hồi tài sản lại khó đến thế (chỉ vài chục phần trăm)?
Do pháp luật chưa đủ mạnh hay một lý do nào khác mà chúng ta chưa kiên quyết thu hồi?
Còn cử tri Nguyễn Vinh Ngọc (P.4, Q.4) cho rằng muốn ngăn chặn và triệt tiêu tham nhũng phải giải quyết cái gốc của đặc quyền đặc lợi cũng như các mối quan hệ quyền lực của cán bộ đương chức đương quyền.
Ông Ngọc nói khi cái gốc của đặc quyền đặc lợi không giải quyết được thì tương lai những vụ như ông Trần Văn Truyền (nguyên tổng Thanh tra Chính phủ) vẫn còn tiếp tục xảy ra.
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước khẳng định việc thu hồi triệt để tài sản tham nhũng vẫn còn hạn chế. “Các cơ quan thực hành công việc này đã thừa nhận khuyết điểm rồi” - Chủ tịch nước cho biết.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước động viên dù nhiều khó khăn nhưng nếu Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm thật sự, kiên trì, bền bỉ, làm ngày càng quyết liệt thì chắc chắn tình hình sẽ đỡ hơn.
“Đất nước chúng ta có mấy nghìn năm văn hiến mà không học được một quốc đảo như Singapore (trong phòng chống tham nhũng) hay sao? Muốn được như thế phải cố sức mà làm và chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những ý kiến hết sức cay đắng của bà con cô bác” - Chủ tịch nước nói.
Năng suất lao động giảm
Chủ tịch nước đồng tình với ý kiến chung hiện nay là muốn tăng lương phải giảm biên chế.
Nhắc lại chủ trương của trung ương, ông khẳng định với cử tri từ nay đến hết năm 2016 không được tăng biên chế và yêu cầu các cấp tuân thủ. Nếu thực hiện chủ trương này không tốt thì biên chế sẽ tăng.
Chủ tịch nước cho biết tới đây Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định chế độ kiêm nhiệm của các chức danh, sẽ có điều kiện tăng thêm chế độ.
Theo Chủ tịch nước, điều đáng lo lắng hơn là tăng lương phải theo năng suất lao động nhưng trong nhiệm kỳ này thì năng suất lao động giảm hơn so với nhiệm kỳ trước ít nhất 30% (nhiệm kỳ trước mỗi năm tăng khoảng 5%), trong khi áp lực hội nhập rất lớn.
Trả lời những bức xúc của cử tri về an toàn vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch nước đánh giá tổng thể chung là yếu kém, không biện minh gì cả, tình hình không tốt chút nào. Các quy định ở lĩnh vực này rất nhiều, không thiếu nhưng hành xử (thực thi) kém. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?
Theo Chủ tịch nước, nếu thiếu các quy định của pháp luật hay các quy định bất cập, không đi vào được cuộc sống thì trung ương chịu trách nhiệm; kiểm tra, đôn đốc không chặt chẽ thì các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm; còn hành động thì không thể nào bắt Thủ tướng, bộ trưởng “bơi” được, xin cử tri thông cảm.
“Không thể một quốc gia, một đất nước mà người dân không yên tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Có những đồng chí làm ở ngành nông nghiệp nói với tôi rằng những đồng chí ấy cũng không dám ra chợ mua rau, tôi nghe thấy kinh quá” - Chủ tịch nước cho biết.
Riêng việc lấy phiếu tín nhiệm, cử tri Hoàng Hữu Huyền (P.3, Q.4) cho rằng nếu tín nhiệm thấp thì Quốc hội cần có sự kiên quyết, vận động chức danh đó tự giác từ chức...
“Làm được như vậy bộ máy của Chính phủ sẽ hoạt động tích cực hơn” - ông Huyền nhấn mạnh, đồng thời cho rằng thiết kế ba mức tín nhiệm là quá rườm rà, nên để hai mức (tín nhiệm và không tín nhiệm).
Chủ tịch nước ghi nhận ý kiến của cử tri đề xuất khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà “tín nhiệm thấp” trên 50% thì người đó có thể xin từ chức.
Kê khai tài sản tốt sẽ hạn chế tham nhũng Cử tri Trần Quốc Hùng, P.Cát Lái, Q.2 nêu ý kiến như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 7 với cử tri Q.2 sáng 2-12. Theo cử tri Hùng, nếu việc kê khai tài sản nghiêm túc, thực chất sẽ hạn chế được tham nhũng. Thay mặt tổ đại biểu, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP - cho biết rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bà con cử tri, nhất là vấn đề phòng chống tham nhũng... Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ làm sao thực hiện tốt hơn vấn đề này, đặc biệt trong việc thu hồi tài sản được xác định do tham nhũng mà có. Về vấn đề hành pháp, bà Tâm cho biết bà rất buồn khi thực tế có một số cán bộ thực hiện không đúng quy định pháp luật gây ảnh hưởng tới người dân. UBND TP đã có những chỉ đạo kiểm tra xử lý để làm sao việc thực thi pháp luật ngày càng tốt hơn. Riêng về vấn đề giải tỏa đền bù, bà Tâm đề nghị lãnh đạo UBND Q.2 phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức rà soát, nơi nào chưa tổ chức đối thoại với dân thì phải tổ chức sớm. (QUANG KHẢI) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận