Ngay sau khi đến Vienna, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Áo và dành thời gian thăm hỏi, lắng nghe các ý kiến đóng góp của đại diện cộng đồng người Việt ở Áo. Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cũng tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Áo - Việt Nam Alfred Gerstl.
Củng cố quan hệ song phương
Đây là chuyến thăm Áo đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam trong 15 năm qua, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến một nước châu Âu. Chuyến thăm diễn ra ngay sau dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022.
Ngày 1-12-1972, khi chiến tranh ở Việt Nam còn chưa kết thúc, Áo là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Trải qua nửa thế kỷ, quan hệ giữa hai nước đã chứng kiến nhiều bước phát triển tích cực. Hai bên đã ký năm hiệp định trong lĩnh vực đầu tư, y tế, giáo dục, tài chính. Nhiều dự án, công trình tại Việt Nam ghi dấu ấn sự hỗ trợ của Áo như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị...
Chia sẻ với báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên tin rằng hai bên còn rất nhiều tiềm năng để có thể thúc đẩy hợp tác hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Một trong những lĩnh vực quan trọng trong quan hệ Việt - Áo là hợp tác về khoa học - công nghệ, bởi đây là thế mạnh của Áo.
Ở chiều ngược lại, Áo cũng nhìn nhận Việt Nam, ngoài là thị trường đang nổi ở châu Á, cũng là một trung tâm phát triển sản xuất. Theo Đại sứ Kiên, đây chính là những điểm hai nước có thể bổ trợ cho nhau trong hợp tác thời gian tới.
Hai bên đã xúc tiến một số dự án hợp tác giữa một số trường đại học của Áo với Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa TP.HCM và Đại học Huế. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác chính thức với một số bộ, ngành có tiềm năng hợp tác của Áo.
Đề cao chủ nghĩa đa phương
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Áo cho thấy không chỉ sự coi trọng của Việt Nam với quan hệ song phương mà còn cho thấy Việt Nam tiếp tục đề cao chủ nghĩa đa phương.
Thủ đô Vienna của Áo là một trong bốn nơi trên thế giới đặt văn phòng của Liên Hiệp Quốc. Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước sẽ thăm trụ sở Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Vienna, làm việc với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Theo Đại sứ Kiên, thông qua các cuộc làm việc này, Chủ tịch nước sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác và khẳng định ưu tiên của Đảng, Nhà nước ta trong hợp tác với các tổ chức quốc tế đa phương.
Đối với Áo, Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong chính sách của nước này đối với ASEAN. Đại sứ Áo tại ASEAN hiện nay, ông Thomas Loidl, từng là đại sứ Áo tại Việt Nam từ năm 2013 - 2017. Chia sẻ thêm với báo chí, Chủ tịch Hội hữu nghị Áo - Việt Nam, PGS.TS Alfred Gerstl, cho biết Áo nói riêng và Liên minh châu Âu (EU), mà Áo là một thành viên, nói chung rất quan tâm đến hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á.
Theo ông Alfred Gerstl, Đông Nam Á là một khu vực ngày càng trở nên quan trọng về kinh tế và chiến lược. Việt Nam được xem là một quốc gia có tiếng nói trong ASEAN, do vậy ngày càng nhận được nhiều mong muốn tăng cường quan hệ từ các nước EU trong đó có Áo.
Vienna chính thức trở thành thành viên EU từ tháng 1-1995, chỉ khoảng sáu tháng trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN. Và ngay trong năm đó, vào tháng 3-1995, Tổng thống Áo Thomas Klestil đã đến thăm Việt Nam. Chuyến đi được xem là biểu tượng trong quan hệ hai nước, bởi đó là lần đầu tiên một tổng thống Áo có chuyến công du Việt Nam sau 23 năm thiết lập quan hệ.
Do đó, chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU, Việt Nam - Áo nói riêng và quan hệ ASEAN - EU nói chung.
Hôm nay (24-7), lễ đón chính thức Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ diễn ra tại Phủ tổng thống Áo dưới sự chủ trì của Tổng thống Alexander Van der Bellen. Hai nhà lãnh đạo sau đó sẽ hội đàm, gặp gỡ báo chí để thông báo kết quả.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng sẽ tiếp lãnh đạo Thượng viện Áo cùng một số lãnh đạo địa phương, thăm và làm việc tại trụ sở Văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Vienna, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận