Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu sơ chế thanh long của Hợp tác xã Mỹ Tịnh An (tỉnh Tiền Giang) - Ảnh: M.TRƯỜNG
Báo cáo với Chủ tịch nước, lãnh đạo Hợp tác xã Mỹ Tịnh An cho biết hợp tác xã được thành lập năm 2009 với ngành nghề sản xuất, thu mua, xuất khẩu thanh long, dừa và các nông sản khác, cung ứng vật tư nông nghiệp. Hiện hợp tác xã có 100 thành viên với khoảng 100ha thanh long, vốn điều lệ 2 tỉ đồng, vốn hoạt động 10 tỉ đồng.
Hợp tác xã ký hợp đồng cam kết với các thành viên với mức giá sàn là 10.000 đồng/kg và khi giá thị trường cao hơn mức giá sàn, hợp tác xã sẽ mua cao hơn giá thị trường ít nhất 1.000 đồng/kg đối với sản phẩm đạt chuẩn. Thành viên hợp tác xã được hưởng lợi nhuận cao so với thị trường bên ngoài từ 10-20%. Từ đó, tất cả các thành viên đều yên tâm sản xuất, không còn cảnh được mùa mất giá.
Chủ tịch nước đánh giá cao Hợp tác xã Mỹ Tịnh An hoạt động theo mô hình kiểu mới. Hợp tác xã có liên kết với nông dân, có vùng nguyên liệu, đa dạng được sản phẩm, quan tâm đến đời sống xã viên, thu nhập xã viên ngày một nâng lên; sản xuất với công nghệ tiến bộ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hợp tác xã cũng cần khắc phục một số tồn tại, bất cập như quy mô còn nhỏ, chi phí cao, thị trường không ổn định; vốn, đất đai còn thấp.
Chủ tịch nước nhấn mạnh hợp tác xã kiểu mới là một xu hướng tất yếu, do đó, cần có cơ chế, chính sách tốt hơn để phát triển kinh tế hợp tác. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương phải tiếp tục quan tâm đến kinh tế hợp tác, hướng đến nông dân, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Trong thời gian tới, bộ, ngành, đặc biệt là tỉnh Tiền Giang, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để kinh tế hợp tác được phát triển nhanh và bền vững. Hội đồng quản trị Hợp tác xã Mỹ Tịnh An cần chủ động hơn trong việc mở rộng diện tích, quy mô sản xuất, mở rộng thị trường, nỗ lực giải quyết các vấn đề về vốn, đất đai, quan tâm xúc tiến thương mại.
Về hướng phát triển của Tiền Giang trong thời gian tới, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến yêu cầu về khai thác tài nguyên "nhất cận thị, nhị cận giang" ở địa phương một cách hiệu quả hơn; trong đó, chú trọng phát triển mạnh mẽ nông nghiệp thông minh, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
Cùng với đó là phát triển kinh tế du lịch, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; đặc biệt cần chú trọng đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo. Chú trọng hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết hợp tác trong phát triển vùng, khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận