Chiều 18-10, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và con đường lần thứ ba tiếp tục diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với ba phiên họp cấp cao về kinh tế số, phát triển xanh và kết nối khu vực.
Ngoài ra còn có sáu diễn đàn nhánh cấp bộ trưởng về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, giao lưu học giả, Con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương và hợp tác biển.
Việt Nam ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình
Tại các cuộc thảo luận, các nhà lãnh đạo và đại biểu chia sẻ đánh giá về những thách thức mà kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt. Trong đó nhất là nguy cơ suy thoái kinh tế, tác động ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh.
Các đại biểu nhất trí hợp tác thời gian tới cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gắn kết hơn nữa các nền kinh tế cũng như đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực mới cho tăng trưởng.
Các nhà lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế để thu hút nguồn lực, hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó thu hẹp khoảng cách phát triển, giúp các nước đang phát triển bắt kịp và hưởng lợi được từ các xu thế phát triển mới.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá Sáng kiến Vành đai và con đường đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam hoan nghênh và đã tích cực tham gia nhiều cơ chế, sáng kiến toàn cầu quan trọng do Trung Quốc khởi xướng.
Trong phiên thảo luận cấp cao có chủ đề "Kinh tế số - động lực mới của tăng trưởng", Chủ tịch nước chia sẻ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên toàn cầu, được thúc đẩy bởi những đột phá công nghệ mới, hiện đại.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh phát triển kinh tế số mở ra tiềm năng và không gian phát triển mới to lớn và nhanh chóng tạo sự liên kết giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia sẽ tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, trở thành một phần không thể tách rời của kinh tế số toàn cầu.
Tuy nhiên, kinh tế số cũng tiềm ẩn những rủi ro về an ninh, an sinh xã hội nếu không được định hướng và quản lý phù hợp.
Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) đã kịp thời nắm bắt xu thế này, đóng góp quan trọng vào sự thay đổi mạnh mẽ của các quốc gia dọc Con đường tơ lụa kỹ thuật số, từ kết cấu hạ tầng số hiện đại, các thành phố thông minh, đến hoạt động thương mại sôi động trên không gian số.
Ba trụ cột Việt Nam đề xuất cho kinh tế số
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ Việt Nam coi trọng các con đường kết nối với thế giới cả trên đất liền, trên không, trên biển, trên không gian số.
Theo đó, Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trên tinh thần đó, Việt Nam xác định: Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số và dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo.
Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, Chủ tịch nước đề xuất hợp tác về kinh tế số dựa trên ba trụ cột sau:
Thứ nhất là hợp tác về thể chế số để xây dựng các quy định phù hợp, bảo đảm sự thông suốt, an toàn, bảo mật dữ liệu; bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia.
Thứ hai là hợp tác về hạ tầng số để bảo đảm và nâng cao năng lực tham gia của các nước vào nền kinh tế số toàn cầu. Chủ tịch nước kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế, các doanh nghiệp hợp tác đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Thứ ba là hợp tác nhân lực số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, hiện đại. Chủ tịch nước nhấn mạnh trong lĩnh vực kinh tế số cần thúc đẩy các dự án chuyển giao tri thức và công nghệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận