28/09/2015 08:31 GMT+7

Chủ tịch nước khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông

V.V.THÀNH (Từ New York)
V.V.THÀNH (Từ New York)

TT - Nhân dịp dự hội nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ), hôm qua Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có cuộc gặp gỡ thân mật với kiều bào, cán bộ Việt Nam tại LHQ và bạn bè Mỹ ở New York.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với kiều bào và bạn bè Mỹ tại New York - Ảnh: Giản Thanh Sơn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với kiều bào và bạn bè Mỹ tại New York - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Chủ tịch nước đã giải đáp những câu hỏi về Biển Đông và quan hệ Việt - Mỹ.

Sau khi thông báo các hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết một trong những thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định, phát triển tại Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung là tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Việc Trung Quốc cải tạo đảo, đá quy mô lớn ở Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế đang gây quan ngại cho các nước. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

“Tôi rất mong bà con và bạn bè Mỹ ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam” - Chủ tịch nước kêu gọi.

Việt Nam, Mỹ đi đúng hướng

Ông John McAuliff, giám đốc Quỹ hòa giải và phát triển Mỹ, đặt vấn đề trong thập niên 1960 và 1970, Việt Nam kêu gọi nhân dân Mỹ chống chiến tranh, đến năm 2015 Việt Nam mong muốn nhân dân Mỹ ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông bằng cách kêu gọi sự hợp tác và tăng cường hiện diện của Mỹ trong khu vực. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng câu hỏi đó có hai phần quá khứ và hiện tại.

Về quá khứ, Chủ tịch nước kể trong chuyến thăm Mỹ năm 2013 ông trao cho Tổng thống Barack Obama bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman tháng 2-1946 về mong muốn thiết lập hợp tác đầy đủ giữa hai nước.

Tổng thống Obama nói là rất tiếc lịch sử đã không đi đúng hướng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng trao đổi lại với Tổng thống Obama rằng: “Chúng ta từ nay về sau phải đi đúng hướng, ông có nhất trí không?”. Tổng thống Obama nói “đồng ý”.

Tiếp tục trả lời câu hỏi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói hiện nay Việt Nam và Mỹ là đối tác toàn diện, đã bình thường hóa quan hệ 20 năm qua.

“Chắc chắn các bạn đã nhìn thấy rõ trong đời sống hằng ngày cũng như trên mặt báo, không thấy ai dùng chữ kẻ thù mà thường dùng chữ bạn bè, đó là điều mà hai dân tộc chúng ta mong muốn” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước khẳng định quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, Việt Nam nỗ lực tối đa để bảo vệ chủ quyền của mình và mong muốn cộng đồng quốc tế thấu hiểu sự thật này. Việt Nam kêu gọi không chỉ Mỹ mà tất cả các nước trên thế giới luôn đứng về lập trường chính nghĩa của Việt Nam.

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền theo luật pháp

Chủ tịch nước chia sẻ một câu chuyện: “Có một nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Việt Nam, hỏi rằng ông bình luận như thế nào về sự hiện diện của nước A, nước B tại Đông Nam Á?

Tôi trả lời rằng không chỉ nước A, nước B mà cần rất nhiều nước cũng có quan điểm giống nước A, nước B đó có mặt tại Việt Nam và Đông Nam Á, miễn là họ mang đến hòa bình, hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam”.

Trả lời câu hỏi của một kiều bào về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Chủ tịch nước nói người Việt Nam đều nhớ rõ Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và chiếm đóng phi pháp bảy bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa.

“Tổ tiên chúng ta quản lý công khai hai quần đảo này không phải bằng vũ lực mà bằng những biện pháp hòa bình, hoạt động dân sự khai thác hải sản ở đó từ lâu đời rồi” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước nhắc đến việc trên đất Mỹ vào năm 1951 tại thành phố San Francisco đã diễn ra một hội nghị quốc tế quan trọng, công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình theo đúng luật pháp quốc tế và luật pháp trong nước...

Tất cả những vấn đề liên quan đều được đưa ra bàn thảo trong chương trình chính thức của ASEAN và các diễn đàn quốc tế mà Việt Nam tham gia.

“Ngay tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững lần này, chúng tôi cũng tranh thủ diễn đàn để nói lên tiếng nói của Việt Nam về những biện pháp giữ gìn hòa bình và bảo vệ chủ quyền” - Chủ tịch nước tiết lộ.

Đầu tư cho nông thôn

Ngày 26-9, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh LHQ thông qua chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đã diễn ra hội nghị về mô hình phát triển nông thôn mới và cộng đồng bền vững.

Tại đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc đưa vào chương trình nghị sự 2030 mục tiêu tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Chủ tịch nước kêu gọi các nước đang phát triển xây dựng nông thôn mới do người dân làm chủ. Theo Chủ tịch nước, cần xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực và việc sử dụng các nguồn lực phải công khai, minh bạch.

V.V.THÀNH (Từ New York)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp