23/12/2021 08:18 GMT+7

Chủ tịch nước gặp gỡ bà con, doanh nghiệp tại Campuchia: Nhiều triển vọng đầu tư

NGỌC AN (từ Phnom Penh, Campuchia)
NGỌC AN (từ Phnom Penh, Campuchia)

TTO - Cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Việt tại Campuchia đang ngày càng khởi sắc, được kỳ vọng sẽ là động lực vừa thúc đẩy hợp tác kinh tế, vừa tạo thêm sinh kế cho cộng đồng người Việt còn nhiều khó khăn ở đây.

Chủ tịch nước gặp gỡ bà con, doanh nghiệp tại Campuchia: Nhiều triển vọng đầu tư - Ảnh 1.

Chủ tịch nước gặp gỡ, trò chuyện thân mật với cộng đồng người Việt tại Campuchia - Ảnh: N.AN

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia (từ ngày 21 đến 22-12), trong ngày 22-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ bà con kiều bào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.

Người Việt giúp người Việt

Tại buổi gặp gỡ thân tình, Chủ tịch nước ân cần hỏi thăm, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con người Việt, khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo, tháo gỡ khó khăn để cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp hơn.

Ông Sim Chy, chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia, cho biết vấn đề địa vị pháp lý, trình độ dân trí và điều kiện sống của người gốc Việt ở Campuchia còn khó khăn, không chỉ do tác động của dịch COVID-19 mà còn do một số chính sách từ phía bạn.

Trong đó, đáng chú ý là chủ trương đưa người dân đang sinh sống trên các nhà bè lên đất liền tại tỉnh Kampong Chhnang, việc thống kê, kiểm tra, đăng ký ngoại kiều và đóng phí thẻ thường trú với người nước ngoài thuộc diện nhập cư.

"Cộng đồng người Campuchia gốc Việt là cộng đồng gặp nhiều khó khăn nhất so với các cộng đồng người Việt trên thế giới và dễ bị tổn thương nhất, nhưng cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ" - ông Sim Chy chia sẻ.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp Việt Nam thành công tại đất nước chùa tháp đã bắt đầu hỗ trợ được phần nào cho cộng đồng này.

Ông Trần Bá Dương - chủ tịch Công ty cổ phần ôtô Trường Hải có công ty con là Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) - cho biết ngay sau khi tiếp nhận dự án của Hoàng Anh Gia Lai đã thực hiện tái cơ cấu nợ, đầu tư với tổng vốn đăng ký 388 triệu USD, chuyển đổi từ trồng cao su, cọ dầu sang trái cây, chăn nuôi bò.

Dự án bước đầu mang lại hiệu quả, năm nay dự kiến giá trị xuất khẩu đạt 151 triệu USD, đảm bảo việc làm cho 15.900 lao động và dự kiến năm 2022 giá trị xuất khẩu có thể lên tới 500 triệu USD, mở rộng đầu tư thêm 100 triệu USD.

Nhờ đó, Thagrico đã giúp chuyển đổi nghề nghiệp cho người Việt ở Biển Hồ, nhận họ vào làm việc tại các dự án với mức thu nhập từ 250 - 350 USD/tháng, xây dựng khu nhà ở với đủ tiện ích, hạ tầng.

Đã có những doanh nghiệp Việt Nam thành công, giữ vị trí nhất nhì tại Campuchia. Ông Phùng Văn Cường, tổng giám đốc Công ty Metfone, cho biết từ một trong những doanh nghiệp đầu tiên rót vốn vào Campuchia, đến nay Metfone đã trở thành hãng viễn thông lớn nhất, với tổng vốn đầu tư 870 triệu USD, doanh thu lũy kế 3,2 tỉ USD. Không chỉ đóng góp ngân sách lớn nhất cho Campuchia, Metfone còn tạo việc làm cho 3.000 lao động trực tiếp với mức thu nhập 20 triệu đồng/người/tháng.

Tuy vậy, ông Cường vẫn mong phía bạn hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam có những ưu đãi về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để phát triển hơn nữa. Cụ thể như việc sớm bổ sung các tài nguyên tần số 4G, sớm cấp giấy phép và tần số 5G, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đề nghị cấp giấy phép để Viettel Campuchia trở thành nhà vận hành cổng Internet quốc gia…

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Lắng nghe mọi tâm tư, nguyện vọng của bà con cũng như doanh nghiệp, Chủ tịch nước rất chia sẻ vì hiểu rõ "không có bà con nào khó khăn bằng người Việt ở Campuchia", khi địa vị pháp lý chưa vững chắc, nhiều người không có giấy tờ. Chủ tịch nước cho biết tới đây sẽ thảo luận những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho biết đã đề nghị Thủ tướng Hun Sen giải quyết nhanh chóng những kiến nghị của Việt Nam như việc thu phí 5G, các thủ tục qua biên giới, quan tâm tạo điều kiện cho hợp tác và doanh nghiệp Việt Nam… Ông cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những khó khăn về lãi suất ngân hàng, hỗ trợ vốn vay, sớm có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư của Việt Nam vào Campuchia, đầu tư ở khu vực biên giới.

Chủ tịch nước nhấn mạnh để thúc đẩy hơn nữa việc đầu tư hiệu quả vào Campuchia, tới đây sẽ xây dựng, triển khai Hiệp định bảo hộ đầu tư, bảo hộ tài sản, giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, soạn thảo để xây dựng chính sách rõ nét hơn, xứng tầm với vị trí và tiềm năng trong đầu tư. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hợp tác thông qua các kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia.

Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết phải ưu tiên củng cố, phát triển quan hệ song phương theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".

Hai bên tiếp tục thực hiện đầy đủ các nguyên tắc được nêu trong các tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia trước đây. Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình.

Việt Nam - Campuchia ra Tuyên bố chung: Thúc đẩy hoàn thành phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia ra Tuyên bố chung: Thúc đẩy hoàn thành phân giới, cắm mốc biên giới

TTO - Tuyên bố chung hoan nghênh hợp tác giữa hai nước thời gian qua trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Đặc biệt, thương mại là một điểm sáng, khi kim ngạch hai chiều duy trì đà tăng trưởng tích cực.

NGỌC AN (từ Phnom Penh, Campuchia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp