Đi cùng còn có nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực đang làm việc tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu ở Nhật Bản.
Thúc đẩy hợp tác bán dẫn, chống biến đổi khí hậu
Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước nhấn mạnh những thành tựu hợp tác hai nước thời gian qua có đóng góp to lớn của nhân dân hai nước. Trong đó có Hiệp hội Chuyên gia Nhật - Việt, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.
Việc hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, theo ông, là cơ hội để hiệp hội thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Việt Nam.
Chủ tịch nước cảm ơn giáo sư Mitsuo Ochi và các thành viên hiệp hội đã có nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thời gian qua. Ông cũng hoan nghênh các chương trình hợp tác của Đại học Hiroshima với Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Người đứng đầu Nhà nước cho biết Việt Nam, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng chịu nhiều tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Do đó ông đề nghị hiệp hội mở rộng hợp tác với các trường đại học và các địa phương của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đây cũng là lĩnh vực mà nhiều trường đại học Việt Nam đang nghiên cứu và mong muốn hợp tác với quốc tế.
Về phần mình, giáo sư Mitsuo Ochi khẳng định Đại học Hiroshima và các thành viên của hiệp hội chuyên gia mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo, chất bán dẫn, trung hòa carbon, thành phố thông minh.
Trường cũng đồng thời sẵn sàng tiếp nhận đào tạo sinh viên Việt Nam và mong nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Tán thành các đề xuất hợp tác, Chủ tịch nước cho biết đây đều là những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu cao. Ông đồng thời đề nghị hiệp hội đẩy mạnh các hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nhân lực và nghiên cứu sản xuất chất bán dẫn.
Chủ tịch nước thăm trung tâm hàng đầu thế giới về năng lượng hydro
Chủ tịch nước sau đó đến thăm Đại học Kyushu, một trong năm trường đại học công lập hàng đầu của Nhật Bản. Hiện có 53 thạc sĩ và nghiên cứu sinh người Việt Nam đang học tập tại trường, ba người Việt Nam tham gia giảng dạy trực tiếp.
Sau khi nghe các sinh viên Việt Nam chia sẻ về cuộc sống, học tập và mong muốn đóng góp cho đất nước cùng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch nước vui mừng trước những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu của sinh viên Việt Nam.
Ông đề nghị các du học sinh tiếp tục nỗ lực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, đoàn kết, hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau, cùng xây dựng cộng đồng người Việt Nam vững mạnh tại Nhật Bản, qua đó trở thành cầu nối cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Người đứng đầu Nhà nước cũng tới tham quan Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về năng lượng hydro tại Đại học Kyushu.
Đây là một trong những cơ sở hàng đầu thế giới về năng lượng hydro, chuyên thực hiện các dự án trọng điểm, kết hợp với rất nhiều công ty lớn của Nhật để triển khai các dự án nghiên cứu về hydrogen.
Hiện nay, Đại học Kyushu đã xây dựng một mô hình "Xã hội hydrogen" thu nhỏ ở Ito campus. Đây là một trong những mô hình đầu tiên về "Xã hội hydrogen" ở Nhật Bản, với rất nhiều thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng hiện đại về lĩnh vực hydrogen.
Tiến sĩ Phạm Hùng Cường là người Việt Nam duy nhất đang làm việc và nghiên cứu tại trung tâm.
* Chiều 30-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Fukuoka, lên đường về nước, kết thúc chuyến thăm chính thức Nhật Bản thành công theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản.
Cũng trong ngày 30-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Kyushu - Việt Nam Hoshino Hiroshi.
Ông Hoshino Hiroshi vui mừng khi quan hệ hai nước có những bước tiến vượt bậc, nhấn mạnh quan hệ giữa khu vực Kyushu và các địa phương Việt Nam là một điển hình của hợp tác địa phương giữa hai nước.
Hội Hữu nghị Kyushu - Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy hợp tác giữa khu vực Kyushu với các địa phương của Việt Nam, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam hòa nhập thuận lợi vào cộng đồng sở tại, đặc biệt là nối lại chương trình du lịch học tập sau dịch bệnh COVID-19.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao đóng góp của Hội Hữu nghị Kyushu - Việt Nam, nổi bật là chương trình du lịch học tập.
Ông đề nghị hội tiếp tục hỗ trợ các địa phương khu vực Kyushu và các giới tăng cường giao lưu, hợp tác với các địa phương Việt Nam.
Nhất là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân và hỗ trợ cộng đồng hơn 50.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại khu vực Kyushu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận