24/06/2024 21:46 GMT+7

Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị lừa 171 tỉ đồng: tội phạm chuyển tiền qua hơn 60 tài khoản

Tội phạm lừa đảo hoạt động qua hệ thống ngân hàng ngày càng tinh vi, tỉ lệ điều tra phá án được rất thấp. Các tài khoản ngân hàng để tội phạm sử dụng đều không chính chủ mà thuê, mua lại từ người khác.

Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: ĐỨC TRONG

Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: ĐỨC TRONG

Chiều 24-6, Công an tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị nhận diện phương thức, thủ đoạn và giải pháp phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng.

Dòng tiền lừa đảo chạy qua nhiều lớp với nhiều tài khoản

Tại hội nghị, thượng tá Nguyễn Hoàng Hà - phó trưởng Phòng 3, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - cho biết những năm gần đây có sự chuyển dịch rõ từ loại tội phạm truyền thống sang tội phạm công nghệ.

Thượng tá Hà lý giải việc đấu tranh phòng chống loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn bởi đây là tội phạm ẩn danh, rất tinh vi, số điện thoại đều từ sim rác, không xác định được con người... Tài khoản ngân hàng mà các đối tượng lừa đảo sử dụng là thuê mua, không phải người trực tiếp sử dụng.

Qua điều tra truy xét, dòng tiền chạy qua nhiều tài khoản với nhiều lớp khác nhau. Lấy ví dụ vụ chủ tịch huyện ở Đồng Nai bị lừa gần 171 tỉ đồng, các đối tượng lừa đảo chuyển qua hơn 60 tài khoản ngân hàng.

Theo đại tá Huỳnh Ngọc Liêm - thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, dù loại tội phạm này đã cũ nhưng phương thức ngày càng tinh vi, có yếu tố xuyên quốc gia. Không chỉ trong nước mà các quốc gia trên thế giới cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Đại tá Liêm cho biết thêm nạn nhân của loại tội phạm này đa dạng, từ người lao động chắt chiu từng đồng, đến cả cán bộ - công chức, trí thức... Địa bàn hoạt động cũng trải dài từ đô thị đến nông thôn.

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Thuận và hệ thống ngân hàng đóng chân ở địa phương cho biết phương thức chủ yếu của loại tội phạm trên là giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, cảnh sát giao thông… để "thao túng tâm lý" nạn nhân.

Chúng thường hoạt động có tổ chức, có phân công nhiệm vụ chặt chẽ giữa các đồng phạm theo từng khâu nhiệm vụ cụ thể, trong đó có đối tượng am hiểu về công nghệ.

Vừa qua, các nhân viên ngân hàng ở địa phương đã phát hiện kịp thời và ngăn chặn thành công việc người dân sắp chuyển tiền hàng tỉ đồng cho đối tượng lừa đảo với các phương thức như trên.

Tỉ lệ điều tra phá án thấp, khó thu hồi tài sản bị lừa

Theo một số đại biểu, việc người dân mở nhiều tài khoản ngân hàng rồi bán, cho thuê cũng là một hình thức tiếp tay cho loại tội phạm này. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan điều tra còn gặp nhiều hạn chế, chậm truy vết được dòng tiền…

Các đại biểu đưa giải pháp tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác mới là chính, bởi công tác điều tra truy vết rất khó khăn. 

Người dân không tin tưởng thì phải xác minh kỹ trước khi chuyển tiền, không truy cập các loại đường link, xem số điện thoại có phù hợp với thông tin cá nhân người nhận tiền…

Cũng theo thượng tá Nguyễn Hoàng Hà, đối với loại tội phạm lừa đảo công nghệ cao, tỉ lệ điều tra phá án được rất thấp.

Thượng tá Nguyễn Hoàng Hà - phó trưởng Phòng 3, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: ĐỨC TRONG

Thượng tá Nguyễn Hoàng Hà - phó trưởng Phòng 3, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: ĐỨC TRONG

Ông Hà cho hay loại tội phạm này tổ chức ở vùng giáp ranh biên giới Việt Nam, thành lập các công ty rồi dụ dỗ người Việt Nam qua làm thuê. Chúng luôn luôn có phương án, kịch bản mới. Khi kịch bản này bị phòng ngừa thì lại ra kịch bản mới. 

Đồng thời, việc phối hợp giữa cơ quan điều tra với hệ thống ngân hàng còn nhiều rào cản nên việc phong tỏa tài khoản chưa kịp thời.

Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra nhiều giải pháp, trong đó việc áp dụng sinh trắc học liên quan các giao dịch lớn là điển hình để ngăn chặn các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng mua tài khoản ngân hàng sẽ không sử dụng được khi nhận diện giao dịch qua sinh trắc học.

Nhận diện các phương thức, thủ đoạn lừa đảo

Công an tỉnh Bình Thuận cũng liệt kê ra những phương thức chủ yếu mà các loại tội phạm như trên hay áp dụng như lừa đảo mua hàng trực tuyến với giá rẻ; tuyển cộng tác viên online; kêu gọi đầu tư, tài chính, tiền ảo; mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện; giả yêu đương, gửi nhận tiền, bưu phẩm từ nước ngoài; đánh cắp hoặc tạo tài khoản mạo danh trên mạng xã hội; vay tiền trực tuyến; cài đặt ứng dụng giả mạo; thông báo trúng thưởng, quà tặng; giả mạo trang web các khách sạn, resort…

Giám đốc Công an Đồng Nai: Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị lừa 171 tỉ bằng phương thức rất cũGiám đốc Công an Đồng Nai: Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị lừa 171 tỉ bằng phương thức rất cũ

Giám đốc Công an Đồng Nai cảnh báo tình trạng lợi dụng không gian mạng để đưa ra các kịch bản lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp