07/04/2025 13:57 GMT+7

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Đức gợi ý cách đem ‘giá trị Đức’ vào chuỗi cung ứng

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tin rằng Việt Nam đang có cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững. Một trong những cách hiệu quả là tích hợp giá trị từ các đối tác quốc tế vào chuỗi cung ứng hiện có.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Đức gợi ý cách đem ‘giá trị Đức’ vào chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Ông Alexander Ziehe, giám đốc điều hành Viessmann Việt Nam kiêm chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức - Ảnh: GBA

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định, thách thức từ các chính sách thuế quan hiện nay còn là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu và thâm nhập các thị trường nhiều tiềm năng khác.

Các nước ASEAN giao thương với nhau nhưng còn nhỏ. Thương mại nội khối chỉ khoảng 23%, theo cổng thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam.

Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông Alexander Ziehe, giám đốc điều hành Viessmann Việt Nam kiêm chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức.

Ông chia sẻ về các giải pháp doanh nghiệp Việt có thể cân nhắc như tích hợp giá trị của các công ty đa quốc gia vào chuỗi cung ứng, cùng nhau khai thác thêm thị trường, đặc biệt là khu vực ASEAN.

"Việt Nam có nền tảng vững mạnh để thành công"

* Ông đánh giá thế nào về tác động của chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ?

- Đây là tác động lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả thế giới, bao gồm cả Mỹ. Nếu mức thuế đối ứng cao được duy trì, trong ngắn hạn Việt Nam sẽ chịu tác động.

Về trung hạn, điều này sẽ tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, và Việt Nam sẽ chuyển hướng sang các thị trường xuất khẩu mới.

Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tập trung vào xuất khẩu sang Mỹ có thể chuyển dịch. Để duy trì sức mạnh kinh tế, tiêu dùng nội địa sẽ trở thành yếu tố quan trọng.

* Liệu vấn đề này có là cơ hội để Việt Nam cải thiện chuỗi cung ứng?

- Việt Nam sẽ cần khai thác các thị trường thay thế và thúc đẩy tiêu dùng nội địa để biến thách thức này thành cơ hội. Việc tìm kiếm các quan hệ đối tác mới có thể giúp giảm thuế và chi phí khi xuất khẩu sang các thị trường khác, từ đó nâng cao giá trị tại châu Âu hoặc châu Á.

Các doanh nghiệp quá phụ thuộc thị trường Mỹ và không thể nhanh chóng thích nghi sẽ chịu áp lực lớn nhất ngay từ bây giờ. Việc cắt giảm chi phí ngắn hạn, giảm sản lượng và đối mặt với thua lỗ đòi hỏi phải nhanh chóng tái cấu trúc.

* Nếu là cơ hội cải thiện chuỗi cung ứng, thì cơ hội cụ thể nằm ở đâu và doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt chúng ra sao?

- Tôi tin rằng Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với EU, Úc và Canada đối với các sản phẩm trung và cao cấp, trước đây nhắm đến thị trường Mỹ.

Ngoài ra, ASEAN, Ấn Độ và Trung Quốc đang có tầng lớp trung lưu ngày càng đông và một số sản phẩm như nội thất có thể được thiết kế phù hợp với nhu cầu địa phương.

Với vai trò là trung tâm sản xuất khu vực và toàn cầu, cùng chuỗi cung ứng đã được thiết lập, lực lượng lao động lành nghề và Chính phủ linh hoạt, Việt Nam có nền tảng vững chắc để thành công trong một nền kinh tế toàn cầu mới. Các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng quan hệ đối tác mới và đầu tư vào việc kích hoạt thị trường này.

Lợi thế địa phương với chuyên môn toàn cầu

* Các doanh nghiệp Đức làm ăn kinh doanh tại Việt Nam có thể cùng tham gia quá trình này như thế nào?

- Nhiều doanh nghiệp Đức có nhiều kinh nghiệm tại châu Á và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực ở châu Âu. Chuyên môn này sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm sang các thị trường mới. Các công ty Đức nổi bật với chất lượng, sự đổi mới và mức độ nội địa hóa cao. Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã tích hợp sâu vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, ASEAN và Ấn Độ.

Tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam nên hợp tác với đối tác Đức để nâng cao năng suất và cải thiện khả năng cạnh tranh bằng cách tích hợp các nhà cung cấp Đức vào giải pháp của mình. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam kết hợp lợi thế địa phương với chuyên môn toàn cầu.

* Viessmann đã mở nhà máy đầu tiên tại Đồng Nai để sản xuất máy nước nóng và máy lọc nước. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Viessmann ở mức độ nào?

- Chúng tôi đã mua hàng hóa dịch vụ từ các nhà cung cấp tại Việt Nam từ những ngày đầu tham gia thị trường. Tỉ lệ nội địa hóa hiện nay từ 40-80%, tùy sản phẩm. Nhà cung cấp của chúng tôi bao gồm cả công ty do người Việt lẫn người nước ngoài (như Hàn Quốc) sở hữu và họ sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt thường cung cấp cho chúng tôi các bộ phận kim loại, nhựa hay vật liệu đóng gói sản xuất.

Thành phẩm từ nhà máy tiêu thụ tại nội địa khoảng 60%, và phần còn lại được xuất đến các nước ở Đông Nam Á. Điều này chứng minh cơ hội cho Việt Nam trong việc cung cấp giải pháp cho người tiêu dùng châu Á, kết hợp với chất lượng, độ tin cậy và kỹ thuật của Đức.

Không riêng trong ngành chúng tôi mà ngành nội thất có rất nhiều nguyên liệu thô được lấy từ nguồn tài nguyên địa phương. Thực tế là Việt Nam đã xây dựng được một chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh trong một số ngành.

Chủ tịch hội doanh nghiệp Đức: Cách đem ‘giá trị Đức’ vào chuỗi cung ứng - Ảnh 5.Thủ tướng: Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng, không hoảng hốt mà bình tĩnh đàm phán thuế

Sáng 6-4, kết luận khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm tiếp tục giữ vững mục tiêu tăng trưởng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp