Ngày 20-2, báo cáo với chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về kết quả điều tra ban đầu vụ học sinh Trần Chí Kiên, trường tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội bị gãy chân, thiếu tướng Đoàn Duy Khương, giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra đã xác định ngày 1-12-2016, bà Tạ Thị Bích Ngọc và bà Nguyễn Thị Hương gọi taxi đưa bà Ngọc đi khám tại Bệnh viện Việt Đức.
Sau khi khám xong, cả hai lên xe taxi di chuyển về trường. Khi qua phố Phủ Doãn, các cô giáo này yêu cầu lái xe dừng lại để mua thuốc cho bà Ngọc. Tuy nhiên, do đường Phủ Doãn cấm dừng đỗ nên lái xe taxi biển kiểm soát 30A-702.54 là ông Trần Quốc Tuấn đã đưa các-vi-dít cho bà Hương, hẹn khi mua xong thuốc sẽ quay lại đón.
Sau khi mua thuốc xong, bà Hương gọi điện cho lái xe đón và đi về trường. Về đến cổng sau nhà trường, bà Hương điện thoại cho bảo vệ trường là ông Trung ra mở cửa để cho xe taxi đi vào mặc dù nhà trường có quy định cấm xe ô tô đi vào trong trường.
Khi vào đến sân trường, cháu Trần Chí Kiên đang chơi đùa đã chạy về phía đầu xe và bị xe ô tô đâm phải, ngã bệt xuống đất.
Lái xe dừng lại thì hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc đi thẳng vào phòng hội đồng. Còn hiệu phó Nguyễn Thị Hương đã dìu cháu Kiên lên, do cháu Kiên đau nên đã cùng bảo vệ đưa lên phòng chức năng của nhà trường để thăm khám.
Lái xe taxi sau đó do chưa biết hậu quả nên đã lái xe ra khỏi trường.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Cơ quan điều tra xác định việc cho xe taxi đi vào sân trường trong giờ ra chơi và gây tai nạn là có thật, vi phạm quy định của nhà trường.
Tại thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe có cả hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và hiệu phó Nguyễn Thị Hương.
Cơ quan điều tra đã làm rõ hiệu phó Nguyễn Thị Hương, mặc dù biết số điện thoại của lái xe taxi gây tai nạn, nhưng không cung cấp kịp thời cho cơ quan điều tra, đồng thời có biểu hiện che dấu vụ việc như: tiến hành phát phiếu khảo sát về việc không nhìn thấy xe đi trong trường ngày 1-12-2016.
Điều này gây khó khăn cho cơ quan điều tra và vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp người giáo viên.
Đối với hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, thời điểm cháu Trần Chí Kiên bị tai nạn có ngồi trên xe taxi nói trên nhưng không xác nhận xe chở mình gây tai nạn cho học sinh, mặt khác đồng ý với những việc làm sai nói trên của hiệu phó Nguyễn Thị Hương.
Hành vi trên cho thấy hiệu trưởng không trung thực trong báo cáo, cố tình che dấu vi phạm, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc làm của hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, hiệu phó Nguyễn Thị Hương nêu trên tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên Thủ đô nói riêng, ngành giáo dục Việt Nam nói chung.
Hành vi phát phiếu khảo sát là tình tiết tăng nặng
Trong quá trình họp nghe kết luận điều tra ban đầu, đại diện các sở, ngành của thành phố Hà Nội và quận Cầu Giấy đều có chung nhận định, đánh giá việc khai báo của các cô giáo trên là thiếu thành khẩn, quanh co, che giấu bản chất sự thật.
Không những vậy, mặc dù đã được Sở Giáo dục-Đào tạo, UBND quận Cầu Giấy động viên, làm việc trên tinh thần hướng tới trách nhiệm và sửa sai nhưng cô giáo Tạ Thị Bích Ngọc vẫn bao biện, vẫn viết đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng để che giấu cho hành vi của bản thân mình.
Với những căn cứ trên và đơn phản ánh của 18 giáo viên đang công tác tại trường, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã kết luận chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy là đơn vị chủ quản tiến hành họp hội đồng kỷ luật ngay trong chiều ngày 20-2, kiểm điểm và thực hiện các thủ tục cách chức ngay đối với hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, hiệu phó Nguyễn Thị Hương.
Thành phố Hà Nội cũng nhận định hai giáo viên kể trên đã có hành vi gian dối, làm sai quy định khi nhà trường nghiêm cấm việc cho xe ô tô vào trường nhưng vẫn chỉ đạo bảo vệ mở cửa cho xe vào. Đây là nguyên nhân gây ra hậu quả của vụ việc, ảnh hưởng đến tinh thần và thể xác của cháu Trần Chí Kiên.
Bên cạnh đó việc bao biện, khai báo gian dối làm mất lòng tin của phụ huynh, của học sinh vào nhà trường, vào ngành giáo dục Thủ đô và cả nước.
Đặc biệt, ngay cả lái xe taxi Trần Quốc Tuấn cũng đã lên tiếng về sự việc khi các cô giáo biết được hậu quả xảy ra mà không thông báo cho lái xe để có sự chăm sóc, bồi thường với gia đình cháu Kiên.
Theo chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, việc cách chức hai cán bộ này không phải là kết thúc mà để phục vụ công tác điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra.
Ông Chung chỉ đạo nếu có vi phạm hình sự sẽ tiếp tục xem xét xử lý. Nếu chỉ vi phạm ở mức độ hành chính thì hai cô giáo này cũng không xứng đáng ở vị trí của mình.
UBND thành phố giao Công an Thành phố tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, làm rõ lời khai và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc này, hành vi của hai cô giáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi khai báo gian dối hay che giấu tội phạm cũng cần làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định, không bao che.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo cần làm rõ hành vi phát phiếu khảo sát của hai cô giáo này có vai trò chủ mưu, ai là chủ mưu vì đây là tình tiết tăng nặng khi vụ án được khởi tố.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng giao Sở Giáo dục- Đào tạo khẩn trương tổ chức cuộc họp với toàn ngành, lấy bài học trên để chấn chỉnh toàn bộ ngành giáo dục Thủ đô, đảm bảo thực hiện tốt việc dạy học trong nhà trường đúng kỷ cương, nề nếp.
Sau chỉ đạo của chủ tịch UBND thành phố, chiều 20-2, Hội đồng kỷ luật quận Cầu Giấy đã họp thống nhất hình thức kỷ luật cách chức đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc - hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên, bà Nguyễn Thị Hương - hiệu phó trường tiểu học Nam Trung Yên. Theo thông tin của Tuổi Trẻ, dự kiến trong ngày 21-2 UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội sẽ ban hành quyết định kỷ luật cách chức đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc - hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên, bà Nguyễn Thị Hương - hiệu phó trường tiểu học Nam Trung Yên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận