Nhiều công trình xây dựng vi phạm tại khu vực hồ Đồng Đò, Minh Trí, Sóc Sơn - Ảnh: TRẦN ANH
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết như vậy tại phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND TP Hà Nội về công tác quản lý trật tự xây dựng do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức ngày 25-3.
2018 không xử lý công trình sai phạm nào
Theo báo cáo của Thường trực HĐND TP Hà Nội, năm 2018 TP đã không xử lý được một công trình sai phạm nào trong số 80 công trình sai phạm tồn động từ trước năm 2018.
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Tuân (quận Tây Hồ) đề nghị giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm rõ nội dung về 80 công trình tồn đọng từ trước năm 2018 chưa được giải quyết.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thừa nhận trong năm 2018, do không đẩy nhanh tốc độ xử lý nên số lượng công trình vi phạm tồn đọng còn nhiều. Trước năm 2018, từ 413 công trình còn tồn đọng đã giảm xuống còn 80 công trình, nhưng năm 2018 không xử lý thêm được trường hợp nào.
Ông Dục cho biết các quận, huyện còn nhiều công trình tồn đọng là Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thạch Thất, Hoài Đức.
Với các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công, chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết TP đã chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý của các cấp cơ sở và việc thanh tra, kiểm tra của thành phố chưa kịp thời.
Ngoài ra, ông Chung cũng cho biết trên địa bàn TP còn tồn tại 132 công trình siêu mỏng, siêu méo.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết trong 2 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn Hà Nội đã phát sinh 65 sai phạm mới (trong đó chỉ có 2 sai phạm được xử lý), xuất hiện thêm 21 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo… Bà Ngọc yêu cầu các địa phương cần kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương.
Nhiều công trình biệt thự, nhà vườn xây dựng trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn - Ảnh: TRẦN ANH
Cán bộ bao che, làm ngơ
Theo chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, từ năm 2016, TP đã họp bàn và xác định nguyên nhân của hiện trạng vi phạm trật tự xây dựng khá nhức nhối trên địa bàn là có việc cán bộ cơ sở có biểu hiện bao che, làm ngơ cho công trình vi phạm dẫn đến công trình đã xây xong, thậm chí đã xây dựng với quy mô lớn rồi mới bị phát hiện.
Từ thực tế này, UBND TP đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép Hà Nội thí điểm sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng theo Luật thanh tra, dưới sự quản lý của Thanh tra Sở Xây dựng, giao cho chủ tịch UBND các quận, huyện trực tiếp quản lý tại địa bàn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội còn kéo dài một phần là do lực lượng thanh tra xây dựng chưa làm hết trách nhiệm.
"Một gia đình đẩy xe cát vào nhà, thanh tra xây dựng biết nhưng tại sao nhà xây to như con voi mà các đồng chí lại không biết? Ở đây, các đồng chí chưa làm hết trách nhiệm, chỉ lập biên bản báo cáo để đấy, chứ chưa xử lý", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết trong 3 năm qua, đã có 98 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn bị kỷ luật, cách chức liên quan đến trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn phụ trách.
Về vụ việc vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn làm nóng dư luận trong thời gian dài, chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết TP đã đôn đốc Thanh tra TP rà soát việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ từ năm 2016 đối với những vi phạm trật tự xây dựng tại đất rừng Sóc Sơn. Kết luận của Thanh tra TP đã được công bố công khai. Trên cơ sở đó, TP chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn và 9 xã có liên quan cùng các sở, ngành xử lý dứt điểm theo kết luận thanh tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận