Trụ sở UBND TP Hà Nội - Ảnh: H.T.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát về việc chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính của chủ tịch UBND và UBND gửi các đại biểu Quốc hội.
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, UBND, chủ tịch UBND các cấp tại một số địa phương đã thực hiện nghiêm túc quy định tại điều 60 của Luật tố tụng hành chính.
Theo đó, chủ tịch UBND hoặc phó chủ tịch UBND là người đại diện theo ủy quyền đã đề cao trách nhiệm, trực tiếp tham gia tố tụng, góp phần giải quyết các vụ việc nhanh chóng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.
Ở một số địa phương, UBND hoặc người đại diện đã tham gia 100% cả phiên đối thoại và phiên tòa như: Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Kon Tum, Ninh Thuận, Sơn La, Vĩnh Long.
Kết quả giám sát ghi nhận tại nhiều địa phương tỉ lệ hòa giải thành công trên tổng số vụ án đã tổ chức đối thoại là rất cao.
Điều này cho thấy nếu UBND, chủ tịch UBND đánh giá đúng ý nghĩa của việc đối thoại, bố trí tham gia đầy đủ các phiên đối thoại thì việc giải quyết các vụ án hành chính sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều vụ án sẽ được hòa giải thành, không phải mở phiên tòa xét xử.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp dẫn chứng tại TP.HCM trong 194 vụ án tổ chức đối thoại thì đối thoại thành tới 143 vụ, chiếm tỉ lệ 73,7%.
Tuy vậy, Ủy ban Tư pháp chỉ rõ tại nhiều địa phương, chủ tịch UBND, UBND chưa chấp hành nghiêm túc các quy định trong việc giải quyết các vụ án hành chính.
Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh hạn chế lớn nhất và kéo dài trong nhiều năm là tình trạng chủ tịch UBND, hoặc người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, cũng không tham gia phiên tòa.
Báo cáo dẫn chứng trong 3 năm (2019-2021), có tới 32,6% số phiên đối thoại và 27,8% số phiên tòa không có sự tham gia của UBND hoặc người đại diện.
Báo cáo dẫn báo cáo của các tòa án nhân dân cấp cao nêu rõ trong 3 năm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, số trường hợp chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND không tham gia phiên tòa là 782/1.784 vụ, chiếm tới 43,8%.
Số liệu tương ứng của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM là 963/1.572 vụ, chiếm tới 61,3%, của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là 97/598 vụ, chiếm 16,2%.
Đáng lưu ý, tại nhiều địa phương, mặc dù số lượng án không nhiều nhưng chủ tịch UBND hoặc người đại diện vẫn thường xuyên vắng mặt.
Trong đó Sóc Trăng vắng 78/88 phiên đối thoại; Lạng Sơn vắng 46/65 phiên tòa; Yên Bái vắng 47/59 phiên tòa; Đà Nẵng vắng 67/88 phiên tòa.
Cá biệt có địa phương UBND hoặc người đại diện vắng mặt 100% các phiên đối thoại hoặc phiên tòa, như chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND các cấp tại tỉnh Khánh Hòa vắng mặt 100% các phiên đối thoại.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội (hoặc người được ủy quyền tham gia tố tụng) vắng mặt 100% tại các phiên đối thoại và phiên tòa (theo báo cáo của Tòa án nhân dân TP Hà Nội).
Ủy ban Tư pháp đánh giá việc chủ tịch UBND, UBND các cấp vắng mặt là đồng thời đã bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và đối thoại với người khởi kiện, làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân.
Ủy ban Tư pháp cho hay còn khá phổ biến việc UBND, chủ tịch UBND không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc cung cấp không đúng thời hạn yêu cầu của TAND, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây bức xúc cho người dân khởi kiện.
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, có 57/63 đơn vị tòa án cấp tỉnh phản ảnh khó khăn trong việc thu thập chứng cứ.
Các cơ quan chuyên môn của UBND thường chậm cung cấp; đùn đẩy giữa các cơ quan; thậm chí nhiều trường hợp không cung cấp cho tòa án. Một số vụ án UBND trả lời không còn lưu giữ, lưu giữ không đầy đủ hoặc đã bị thất lạc.
Nhiều vụ án UBND không cung cấp tài liệu, chứng cứ và cũng không trả lời lý do không cung cấp, tòa án phải nhiều lần gửi văn bản hoặc liên hệ qua điện thoại để đôn đốc việc giao nộp, cung cấp chứng cứ. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết vụ án...
Chưa có chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm về chậm thi hành án
Theo báo cáo, số lượng bản án hành chính mà chủ tịch UBND, UBND có trách nhiệm thi hành nhưng chưa thi hành xong còn lớn, tới 489 bản án.
Báo cáo nêu thêm, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã có 7 kiến nghị đối với chủ tịch UBND một số quận, huyện của Hà Nội đề nghị chỉ đạo thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội ban hành 14 văn bản kiến nghị UBND quận Long Biên đề nghị xử lý trách nhiệm người không thi hành án nhưng đều chưa nhận được thông báo về kết quả xử lý đối với bất kỳ trường hợp nào.
Ủy ban Tư pháp cho biết dù trong 3 năm có nhiều bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật chậm thi hành, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào UBND, chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm về việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 3 năm đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm người phải thi hành án trong 59 vụ việc thi hành án hành chính thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ chưa nêu được kết quả xem xét, xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận