Chiều 18-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (thứ hai từ phải sang) đã gặp gỡ anh James Joseph Kendall - người đã cùng nhóm bạn lội xuống con mương ô nhiễm tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) để dọn dẹp rác vào các ngày 8 và 15-5-2016 - Ảnh: LÂM HOÀI |
“Nhà nước phải bảo đảm để người dân tham gia công việc xã hội, công việc đất nước. Đó là một nghĩa vụ mà Nhà nước phải thực hiện bằng xây dựng cơ chế, chính sách và bằng chính đạo đức công vụ của công chức |
“Ông Tây” này là nhà giáo, đã cùng các thành viên của nhóm Keep Hanoi Clean tuần nào cũng lên kế hoạch làm sạch một cống rãnh, bãi rác ở Hà Nội.
“Các bạn thành lập nhóm gồm cả người Việt và người nước ngoài với nhiệm vụ tìm và xử lý những bãi rác tại Hà Nội. Chúng em đang làm những bãi đầu tiên. Sau khi làm, để duy trì bãi vẫn được sạch, chúng em sẽ trồng cây phủ vào bãi đất đó. Một công đôi việc”.
Một thành viên tên Oanh của nhóm đã giới thiệu về nhóm mình như thế để kết nối với cộng đồng mạng, với mong muốn kết nối với những người có kinh nghiệm làm vườn để được cung cấp một số loại cây giá hợp lý, “vì dự án này chúng em tự làm và không có bất kỳ một sự hỗ trợ nào”.
Cách tiếp cận chân tình của cô gái đã được cộng đồng chia sẻ. Người thì hẹn sẽ tham gia. Người về quê chở cây giống đến tặng. Người khuyên trồng sả. Người góp ý trồng thủy quỳnh. Chính cộng đồng đã thành người cộng tác, và là nguồn lực chính yếu hỗ trợ nhóm của Oanh để họ làm công việc “hàng tổng” này đều đặn mỗi thứ bảy, chủ nhật.
Giữ Hà Nội sạch là một mục tiêu lớn của Hà Nội đã được một nhóm cộng đồng tiếp cận giản dị bằng cách làm của họ, như chính hình ảnh “ông Tây” James Joseph Kendall lội cống nhặt rác. Mỗi cộng đồng, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh và cả hứng thú của mình, đã tham gia vào việc thực hiện các mục tiêu tốt đẹp của xã hội một cách chủ động như vậy.
Thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam càng ngày càng có nhiều sự tham gia của các cộng đồng tự nguyện ở các địa phương, trong các lĩnh vực. Họ tập hợp với nhau trong các nhóm tự nguyện, duy trì thông tin, trao đổi và kết nối trên mạng xã hội và khi cần triển khai trong thực tế, họ rủ nhau offline. Không khó để nhận thấy đang xuất hiện một lối sống như vậy. Không ít các câu lạc bộ kiểu này có đơn vị thành viên lên đến hàng ngàn, hàng chục ngàn, thậm chí lên đến số trăm ngàn.
Trong số các cộng đồng tự nguyện chủ yếu được thành lập trên không gian thực tại ảo này, nhiều nhóm, nhiều cộng đồng có các hoạt động có ích như Keep Hanoi Clean. Nhiều nhóm còn có các hoạt động xứng đáng là mục tiêu để các hội đoàn nhà nước vươn tới, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào việc làng xóm, việc địa phương, việc xã hội.
Có thể còn chờ đợi khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn cho không gian sinh hoạt xã hội tự nguyện của người dân.
Nhưng những gì dư luận xã hội không đồng tình với lãnh đạo phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội nhắc nhở nhóm Keep Hanoi Clean “dọn rác trên địa bàn phường mà không xin phép” đang chuyển tải một nhu cầu ngày càng chín chắn trong đời sống xã hội Việt Nam: Nhà nước phải bảo đảm để người dân tham gia công việc xã hội, công việc đất nước. Đó là một nghĩa vụ mà Nhà nước phải thực hiện bằng xây dựng cơ chế, chính sách và bằng chính đạo đức công vụ của công chức.
Một nền công vụ còn duy trì thể thức quản lý phải xin phép để dọn rác có thể đang còn duy trì trong thực tế ở nhiều cơ sở. Có lẽ vì vậy mà dư luận xã hội đồng tình với ứng xử kịp thời của vị chủ tịch thủ đô đến cảm ơn ông Tây dọn rác. Quan trọng hơn, ông còn đưa theo bí thư Thành đoàn Hà Nội để ngỏ lời phối hợp cùng Keep Hanoi Clean.
Nhiều hơn lời tuyên bố ủng hộ, chính quyền Hà Nội dường như cũng sẵn sàng thay đổi thói quen chờ đợi xin - cho của nền công vụ kiểu cũ.
Cuộc thay đổi đó chắc chắn có rất nhiều khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận