Hình ảnh kẹt xe do các tài xế chặn đường tại trạm thu phí BOT Cái Răng trưa 5-1 - Ảnh: LÊ DÂN
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết như vậy về điểm nóng BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.
Ông Thống đã có mặt tại đây chứng kiến đoàn xe bị ùn ứ kéo dài, ra lệnh cho xả trạm, đồng thời giải quyết một số biện pháp tình huống, tạm thời giải quyết tình trạng kẹt xe sau nhiều giờ ùn ứ.
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, từ sáng 4-1, giao thông hai đầu trạm thu phí BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp (P.Ba Láng, Q.Cái Răng, TP Cần Thơ) bị ùn ứ nghiêm trọng do các doanh nghiệp vận tải phải đối việc thu phí, đã cho xe đậu chắn một số cửa thu phí tại trạm này.
Theo đó, có 5 doanh nghiệp (3 ở phường Ba Láng, 2 của xã Tân Phú Thạnh, quận Châu Thành, Hậu Giang) thực hiện việc chặn các làn xe.
Đến trưa cùng ngày, ông Võ Thành Thống - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đã có mặt tại điểm nóng. Ông Thống ra lệnh cho xả trạm BOT để giải tỏa lượng xe ùn ứ kéo dài nhiều kilomet, đồng thời đối thoại với các doanh nghiệp phản đối việc thu phí BOT này.
Sau buổi đối thoại, các doanh nghiệp đồng ý rút xe khỏi điểm nóng. BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp tạm thời trở lại hoạt động bình thường.
Ông Võ Thành Thống - chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đến giải quyết tại điểm nóng BOT Cái Răng trưa 4-1 - Ảnh: HỒNG DÂN
Mặc dù phải thực hiện lệnh xả trạm của chủ tịch UBND Cần Thơ, tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ Online về hướng giải quyết tiếp theo, ông Lương cho biết doanh nghiệp phản ứng yêu cầu miễn giảm sẽ phải thực hiện theo văn bản của Bộ GTVT.
Trường hợp nếu cá nhân doanh nghiệp tiếp tục gây áp lực, muốn xả trạm phải có ý kiến của chủ đầu tư.
Chiều cùng ngày, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Võ Thành Thống nói BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp nằm trên quốc lộ, là tuyến đường huyết mạch nê không thể để tình trạng ùn ứ giao thông như thế được.
"Như thế không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, việc đi lại của người dân nên chúng tôi phải giải quyết tức thì, theo giải pháp tình huống.
Theo quy định vấn đề quản lý an ninh - trật tự trên địa bàn, UBND TP Cần Thơ có nhiệm vụ đảm bảo. Tôi phải đến đó để nghe, thấy tình hình thực tế và đã yêu cầu chủ đầu tư phải giải quyết tình huống đó (xả trạm - PV)" - ông nói.
Hình ảnh kẹt xe do các tài xế chặn đường tại trạm thu phí BOT Cái Răng trưa 5-1 - Ảnh: LÊ DÂN
* Khi ra lệnh xả trạm BOT này, ông có trao đổi với lãnh đạo Bộ GTVT không?
- Tôi đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, thống nhất tinh thần thực hiện biện pháp đó (xả trạm - PV).
Mặt khác, tôi cũng đã điện thoại trao đổi với chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về vấn đề phối hợp để giải quyết căn cơ vấn đề vì chủ trương của Bộ GTVT cho giảm mức phí đối với mọi phương tiện, mọi đối tượng tại trạm BOT này.
Riêng với người dân ở phường Ba Láng (Q.Cái Răng, Cần Thơ) và xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cũng có quy định mức giảm nhiều hơn.
Phía Ba Láng đã thực hiện kịp thời, còn phần Tân Phú Thạnh, cơ quan chức năng của Hậu Giang đang làm chưa xong, cho nên bà con cũng bức xúc.
Quanh chuyện này, tôi cũng phối hợp với chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị giải quyết triệt để, kịp thời đối với câu chuyện ở Tân Phú Thạnh, theo đúng chủ trương của Bộ GTVT mới ban hành.
Tôi cũng cho mời các chủ nhà xe để nghe phản ánh, họ bức xúc điều gì, yêu cầu của họ như thế nào. Theo đó, người dân ở Tân Phú Thạnh thì muốn được giảm nhiều hơn nữa, đối tượng giảm cũng phải được mở rộng hơn. Những yêu cầu đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của chúng tôi.
Chúng tôi đã ghi nhận những ý kiến đó và có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét giải quyết sớm. Ngày mai (5-1), chúng tôi sẽ ký văn bản đề nghị để bộ xem xét, giải quyết. Đại diện các chủ nhà xe cũng đồng tình cách giải quyết đó. Họ cũng cam kết không vận động tài xế làm chuyện đó (gây ùn ứ giao thông - PV) nữa.
* Người có thẩm quyền tại BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp có thể không nghe lệnh xả trạm của ông, vì ông không phải là người quản lý trực tiếp của họ?
- Tất nhiên, hệ thống quản lý cấp dưới phải tuân thủ lệnh của cấp trên. Nhưng trong quy định liên quan đến an ninh - trật tự thuộc nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Tôi chỉ thực thi nhiệm vụ của chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh - trật tự. Việc đó thuộc trách nhiệm của tôi.
Đương nhiên đối tượng có liên quan được yêu cầu thì phải thực hiện, để giải quyết tình huống. Họ phải có nghĩa vụ hợp tác. Tôi đã làm việc đó (yêu cầu xả trạm) theo nhiệm vụ của mình, giải quyết theo đúng yêu cầu mà tình huống đòi hỏi.
Về phía nhà đầu tư, lúc đầu họ hợp tác không được tốt lắm, nhưng chúng tôi đã yêu cầu họ làm đúng chuyện phải làm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thống nhất với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật để triển khai quyết định tình huống.
* Đó là giải pháp tình huống. Còn về lâu dài, những mâu thuẫn giữa trạm BOT này và nhà xe vẫn chưa được giải quyết?
- BOT trúng hay trật do ngành chức năng có thẩm quyền giải quyết. Chính phủ cũng đang cho rà soát, kiểm tra để xử lý toàn diện. Chính phủ luôn công bằng, tôi tin tưởng điều đó. Vấn đề mình phải đợi thời gian.
Ngược lại, không phải vì bức xúc mà làm mất an ninh trật tự vì điều đó ảnh hưởng đến nhiều người. Bức xúc có thể chỉ một nhóm người, nhưng tất cả những người đi trên đường đều rất khổ sở. Số ít làm ảnh hưởng số đông thì không được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận