Ông Nguyễn Phước Quy Phong, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại quốc tế (bìa trái), tại buổi làm việc với chính quyền địa phương và thân nhân các ngư dân gặp nạn - Ảnh: H.QUỐC
Tối 30-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hữu Tiến - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An - cho biết sáng cùng ngày ông đã làm việc với đại diện chủ Pacific 01 liên quan đến vụ chìm tàu cá của ngư dân Nghệ An ở Bạch Long Vĩ khiến 1 thuyền viên tử vong, 9 người mất tích.
Tại buổi làm việc, ông Tiến rất bức xúc khi chất vấn đại diện chủ tàu hàng là ông Nguyễn Phước Quy Phong - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại quốc tế về việc phía chủ tàu hàng yêu cầu các thuyền viên ký vào biên bản vụ tai nạn là do tàu hàng và tàu cá "va chạm nhau".
"Tôi nghe người thân các thuyền viên phản ánh là sau khi được cứu, họ phải ký vào biên bản theo hình thức hai tàu va chạm nhau chứ không phải tàu tôi đâm tàu anh. Đây là cách đánh tráo hình thức. Tôi rất buồn và không hài lòng với cách xử lý này.
Có gây ra tai nạn hay không thì lúc này cũng không nên làm việc đó, mà phải ưu tiên tập trung vào việc tìm người, đây mới là điều quan trọng nhất", ông Tiến nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, đại diện thân nhân các ngư dân gặp nạn cũng bức xúc trước thái độ chậm trễ triển khai thợ lặn tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ 9 người đang mất tích trên biển. Họ yêu cầu bằng mọi giá phải triển khai nhanh, tổ chức đưa thợ lặn khẩn trương ra biển tìm kiếm.
Thi thể ông Nguyễn Văn Hòa được đưa về quê nhà chiều 30-6 - Ảnh: DOÃN HÒA
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Phước Quy Phong - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại quốc tế - cho biết sau khi xảy ra sự cố công ty đã nhờ Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn và các lực lượng tìm kiếm các .
Tuy nhiên, do đội thợ lặn của một công ty ở Hải Phòng chưa đáp ứng nên công ty đã thuê thêm các thợ lặn từ TP.HCM tiếp cận hiện trường tìm người mất tích.
Sau đó, ông Phong ký cam kết với người dân với nội dung: "Ngày 28-6, tàu của công ty trên đường vận tải ra Bắc đã đâm, va vào tàu cá NA 95899 TS do ông Hồ Bá Lâm làm thuyền trưởng.
Công ty chúng tôi xin cam kết với các cơ quan chức năng Nhà nước, UBND xã Tiến Thủy và gia đình có người thân bị nạn:
+ Chịu trách nhiệm thuê thợ lặn và thuê công ty trục vớt tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân còn lại trong thời gian sớm nhất.
+ Thợ lặn bắt đầu làm việc từ ngày 1-7-2019.
Đồng thời, công ty chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về người và tài sản theo quy định của pháp luật".
Ông Đinh Trọng Dũng - một trong 9 ngư dân may mắn sống sót trở về sau vụ tàu chìm - Ảnh: LÊ THẠCH
Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Đinh Trọng Dũng, một trong 9 ngư dân sống sót, cho biết lịch trình đánh bắt của tàu cá xa bờ chủ yếu đánh bắt vào ban đêm, ban ngày các thuyền viên neo tàu để ngủ.
Thời điểm khoảng 13h chiều 28-6, tàu cá này đang neo để các thuyền viên ngủ và bị tàu hàng chạy qua đâm chìm. Do gặp nạn bất ngờ trong khi các thuyền viên đang ngủ nên mới thiệt hại người nhiều như vậy.
Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ 9 ngư dân mất tích vẫn đang được tiếp tục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận