10/04/2013 06:00 GMT+7

Chữ tâm trị "ngựa chứng" tuổi học trò

LÊ TRIỀU SƠN (phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, Huế)
LÊ TRIỀU SƠN (phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, Huế)

TT - Học sinh cá biệt thì thời nào cũng có và được ví như “ngựa chứng” trong sân trường. Tìm giải pháp để giáo dục những học sinh này luôn là vấn đề đau đầu của các thầy cô và nhà trường, nhất là trong tình hình bạo lực học đường dường như đang có xu hướng gia tăng như hiện nay.

Trong cuộc đời gần 20 năm đứng trên bục giảng, tôi tìm hiểu và thấy phần lớn học sinh cá biệt hoặc có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, bố mẹ ly dị phải sống nhờ vào người khác, hoặc gia đình có tiền, có quyền lực trong xã hội nhưng thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm dạy dỗ con cái. Với những học sinh này, gia đình đã bất lực trong việc giáo dục. Tuy nhiên, đã có nhiều thầy cô giáo với cái tâm của mình, với những kinh nghiệm và phương pháp sư phạm đặc thù đã cảm hóa thành công nhiều học sinh cá biệt.

Chẳng hạn, học sinh nữ B.H. học lớp 11 ở trường tôi có mẹ lấy chồng khác, bố nghiện rượu nặng. Em mặc cảm, tự ti, bị bạn xấu lôi kéo nên thường xuyên vắng học, vi phạm kỷ luật. Giáo viên chủ nhiệm vẫn luôn xin hội đồng kỷ luật nhà trường đừng đuổi học em bởi cô nghĩ B.H. nghỉ học sẽ là một gánh nặng cho xã hội. Cô đã dành thời gian nói chuyện nhiều với em B.H., khuyên bảo em đừng bỏ học. Một lần do bố chuẩn bị lập gia đình lần hai, bị sốc nên em B.H. đã hành động dại dột tự quyên sinh, may mà có hàng xóm và cô giáo chủ nhiệm cứu em kịp thời. Những ngày em nằm viện điều trị, cô chủ nhiệm chăm sóc em cả về tinh thần lẫn vật chất, rồi cô giúp em vượt qua kỳ thi lên lớp năm ấy. Biết ơn cô giáo, em đã trở thành một học sinh ngoan, học khá của năm học lớp 12. Ngày 20-11 năm ấy, trong thiệp chúc mừng cô giáo chủ nhiệm của mình, em viết: “Bởi vì cô đã đến, cho em niềm tin, em sẽ cố gắng để đi hết con đường...”.

Hay như chuyện học sinh nam M.V., bố và mẹ đều có địa vị trong xã hội, gia đình nề nếp, nhưng bị bạn xấu lôi kéo nên năm lớp 10 bỏ học, không về nhà, sau đó tiếp tục sa lầy vào con đường cờ bạc, cá độ bóng đá... Những lúc thiếu tiền em sẵn sàng làm những việc xấu khiến bố mẹ phải gánh hậu quả. Thầy giáo T.Đ., giáo viên thể dục - quốc phòng, đã nhiều lần lặn lội đem em về từ các quán cà phê cá độ bóng đá nhưng vẫn không thành công. Không bỏ cuộc, thầy T.Đ. tiếp tục khuyên nhủ em, có lúc sử dụng cả biện pháp nghiêm khắc với mong muốn em trở thành người tốt. Cuối cùng em đã hiểu ra, quay lại học tập đàng hoàng. Lớp 12, em là học sinh giỏi cấp tỉnh và hiện đang theo học năm 1 đại học ở TP.HCM. Ngày rời trường bước vào giảng đường đại học, M.V. đã rưng rưng: “Em nhớ nhất là thầy giáo T.Đ.. Thầy đã thay đổi cả cuộc đời em”.

Ở đâu đấy cũng có những cô thầy xúc phạm học sinh bị xã hội lên án. Ở đâu đó cũng có người đứng trên bục giảng mà vô cảm theo kiểu “sáng vác ô đi, tối vác về”, dửng dưng trước những hành vi sai trái của học trò mình. Tuy nhiên, thầy cô giáo chúng tôi ai cũng bảo nhau: Đã mang nghiệp “làm thầy” thì phải không ngừng học hỏi, biết tự điều chỉnh kịp thời những sơ sót về phương pháp giảng dạy cũng như văn hóa tiếp cận để có thể chăm sóc học sinh tốt hơn.

Quá trình giáo dục nhân cách cho học sinh không thể thiếu tình thương yêu bởi nó có sức mạnh lớn lao cảm hóa con người. Với những học sinh cá biệt thì càng cần thêm nhiều tình yêu thương để cảm hóa. Có thể hiện tượng học sinh cá biệt hiện nay sẽ khó có giải pháp tối ưu nào để thay đổi một sớm một chiều. Song sự kiên nhẫn của từng người thầy với cái tâm của nhà sư phạm chắc chắn sẽ làm “bức tranh ngựa chứng” giảm đi tông màu xám.

LÊ TRIỀU SƠN (phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp