21/02/2014 11:50 GMT+7

Chủ sở hữu Zing bị kiện ra tòa án Mỹ

THANH TUẤN - Q.N.
THANH TUẤN - Q.N.

TT - Ngày 19-2, Trung tâm sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn đã gửi công văn đến báo Tuổi Trẻ thông báo về việc đã khởi kiện Tập đoàn International Data (IDG) và Tập đoàn VNG - đơn vị sở hữu website nghe nhạc trực truyến N Zing Mp3 - vi phạm bản quyền của trung tâm.

ojQKNlMf.jpg
Những ca khúc đã bị ẩn đi trên hệ thống Zing Mp3 vì các khiếu nại bản quyền - Ảnh: Lê Tân Sơn chụp từ màn hình

Làng Văn cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện này và đã thông báo đến các tổ chức bản quyền thế giới. Trước đó từ ngày 28-1, các tờ báo như AP, BBC, Business Week, Bloomberg, Abal Journal, TechinAsia đã thông tin về vụ Công ty Làng Văn kiện VNG (Việt Nam) và Tập đoàn IDG (Hoa Kỳ) cùng hai quỹ đầu tư mạo hiểm của quỹ này (IDG Ventures và IDG Ventures Vietnam).

Làng Văn là công ty có trụ sở ở California (Mỹ) hiện giữ bản quyền nhiều bài hát và album nhạc Việt. Theo đơn kiện, Làng Văn cáo buộc trang web Zing.vn (Zing) hiện do VNG sở hữu và điều hành đã sử dụng trái phép hơn 3.000 bài hát và hơn 600 album nhạc mà Làng Văn có bản quyền. Đây là con số mà Làng Văn tính trong giai đoạn họ tự theo dõi và đếm từ tháng 10-2012 đến tháng 11-2013. IDG cùng IDG Ventures và IDG Ventures Vietnam liên quan vì là nhà đầu tư tài chính và cố vấn cho VNG.

Theo đơn kiện, Làng Văn cáo buộc Zing đã đưa các tác phẩm có bản quyền này lên trang Zing Music và để cho mọi người trên thế giới tải xuống hoàn toàn miễn phí mặc dù Zing và VNG không có bản quyền các bản nhạc này. Và theo cáo buộc thì các bị đơn đã kiếm lời được vì các bản nhạc mà Làng Văn có bản quyền đã giúp tăng số lượng người truy cập vào Zing, từ đó giúp VNG bán được số lượng lớn quảng cáo và thu hút được người dùng sử dụng dịch vụ game của VNG. Theo Làng Văn thì họ chưa nhận được một đồng nào từ phía các bị đơn.

Trong bản đơn dài hơn 106 trang có đóng dấu nhận đơn của Tòa án quận Central District ở California từ ngày 22-1 thì có đến hơn 80 trang liệt kê các bài hát mà Làng Văn nói họ giữ bản quyền và cáo buộc Zing vi phạm. Trong đơn kiện, Làng Văn đòi mức phạt tối đa 150.000 USD đối với VNG cho mỗi lần vi phạm. Họ cũng cho biết đã gặp phía Zing vài lần trong năm 2012 để nói về chuyện vi phạm bản quyền này và vài lần VNG có gỡ nhạc xuống nhưng ngay sau đó có nhiều bài hát tái xuất hiện trên trang của Zing.

Đại diện Trung tâm Làng Văn tại VN là bà Trần Thị Hồng Hải xác nhận Làng Văn đã có những thao tác để khởi kiện IDG và VNG từ tháng 1. Tuy nhiên, bà Hồng Hải không rõ lắm về quy trình khởi kiện hiện đã đến đâu.

Cho đến hôm qua, khi kiểm tra trên 10 bài hát trong danh sách mà Làng Văn liệt kê thì các bài hát này không còn ở dạng nghe hay download được nữa. Thông báo của Zing là “bài hát này tạm thời bị ẩn theo yêu cầu của bên sở hữu bản quyền nội dung”.

Phía sau tòa án

Vụ kiện bản quyền giữa Làng Văn với IDG, VNG rồi sẽ kết thúc ra sao là điều chưa ai có thể nói trước bởi nó có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà điển hình là vụ cô Jammie Thomas - Rasset bị phạt 220.000 USD vì chia sẻ trái phép 24 ca khúc qua mạng Kazaa - vụ án kéo dài tám năm với tám lần kháng cáo. Song như chia sẻ của những người am hiểu về Luật bản quyền và tình hình âm nhạc tại VN thì mọi thứ không chỉ đơn giản là khoản tiền bồi thường vi phạm.

Phản ứng trước các cáo buộc của Làng Văn, đại diện VNG cho biết họ nắm giữ phần lớn bản quyền các tác phẩm âm nhạc hiện có trong hệ thống của mình thông qua các hợp đồng với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), hợp đồng với các tác giả và hợp đồng độc quyền với hàng trăm ca sĩ. Với những tác phẩm còn lại, theo lý giải của Zing, là do cộng đồng người sử dụng tự đưa lên hệ thống và chính người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm bản quyền.

Với tấm giấy phép mạng xã hội đang có trong tay, Zing Mp3 hiện đang có ưu thế khá lớn trong cuộc chiến pháp lý chống lại các cáo buộc. Mạng xã hội là nơi người dùng có quyền tự do tải lên và chia sẻ nội dung bất kỳ, miễn là các nội dung đó không vi phạm bản quyền. Khi đăng ký tham gia một mạng xã hội, người sử dụng được yêu cầu phải bấm nút chọn đồng ý với các điều khoản sử dụng dịch vụ, trong đó có nội dung tôn trọng bản quyền. Thông qua thao tác này, trách nhiệm pháp lý một phần lớn đã được đẩy về phía người dùng là những người vốn khuyết danh trên các mạng xã hội.

Giải thích về quy trình giải quyết khiếu nại của mình, đại diện Zing Mp3 cho biết khi có bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến bản quyền các tác phẩm âm nhạc có trên hệ thống, họ sẽ lập tức xác minh và tiến hành gỡ bỏ (các) tác phẩm ấy và thậm chí khóa tài khoản người dùng. Đây cũng là quy trình giải quyết khiếu nại chung của nhiều mạng xã hội lớn trên thế giới như YouTube hay Facebook. Tuy nhiên, ngay cả YouTube hay Facebook hiện cũng đang phải đối mặt với các cáo buộc vi phạm bản quyền từ các nhà sản xuất, nghệ sĩ, chính phủ khắp nơi.

Ở một góc độ khác, vụ kiện của Làng Văn được cho là sẽ có thể khiến các doanh nghiệp đa quốc gia, nhất là các doanh nghiệp Hoa Kỳ, chấm dứt hợp tác quảng cáo với Zing - đòn kinh tế khá nặng và cực kỳ hiệu quả để buộc Zing phải tôn trọng bản quyền hơn. Minh chứng rõ nhất là sau khi Coca-Cola, Samsung rút quảng cáo, Zing đã nhanh chóng ký kết hợp đồng bản quyền với Universal Music sau nhiều năm đàm phán bế tắc vì mức giá được cho là quá cao do phía đối tác đưa ra.

Điều lớn nhất xoay quanh vụ kiện bản quyền xuyên quốc gia này chính là qua nó các đơn vị cung cấp dịch vụ tại VN sẽ phải nghiêm túc hơn trong việc thực thi Luật bản quyền, giúp bức tranh quyền tác giả tại VN sáng sủa hơn sau nhiều năm trong tốp các quốc gia vi phạm bản quyền cao nhất thế giới.

LÊ TÂN SƠN

THANH TUẤN - Q.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp