Đám cưới rước dâu bằng kèn Tây
Đám cưới sử dụng kèn Tây là bất ngờ do anh Ngô Nhật Minh (sinh năm 1992) dành cho vợ là chị Võ Thị Phương Ánh (sinh năm 1993). Cả hai đều ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Đội kèn trống xuất hiện trong lễ rước dâu - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ý tưởng này được anh Nhật Minh và các anh em trong ban nhạc kèn Ba Thành ấp ủ từ lâu. Anh Minh đã mưu sinh theo nghề này được hơn 5 năm.
"Ban kèn lựa chọn những bài có liên quan đến ngày xuân, đám cưới để tập dượt trước nửa tháng. Ai cũng đều rất phấn khởi để chuẩn bị cho chú rể rước dâu hôm 6-1", Phạm Công Tước (sinh viên trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM, thành viên đội kèn) cho biết.
Tước cũng chia sẻ, thành lập được 3 năm, nhưng đây là sự kiện đầu tiên được phục vụ trong ngày cưới nên ai cũng rất vui. Các bài kèn được sử dụng mang tên Thuyền hoa, Đám cưới đầu xuân, Cô Thắm về làng…
"Từ khi đăng clip, mình thấy đa số dân mạng chia sẻ và thích. Trong đó, cũng có một số phản đối vì mọi người quan niệm kèn chỉ sử dụng trong đám ma. Nhưng số lượng người thích nhiều hơn. Mình và đội hi vọng rằng từ đây, mọi người suy nghĩ khác hơn về loại nhạc cụ này", Công Tước nói.
Bạn cũng bật mí thêm: "Bình thường, trong ban kèn, mình chơi trống. Nhưng trong đám cưới này, mình bưng mâm. Ban kèn chia ra mỗi người một việc để đám cưới thêm sinh động".
Cặp đôi Nhật Minh - Phương Ánh - Ảnh do nhân vật cung cấp
Chú rể Nhật Minh cho biết: "Kế hoạch này được giữ bí mật với cả cô dâu. Tất cả đều do mình và anh em chuẩn bị, sắp đặt. Khi đội rước dâu tới và nhạc trỗi lên, mọi người đều rất ngạc nhiên, nhưng sau đó liền vui vẻ và hào hứng. Ai cũng khen ý tưởng độc lạ, hoành tráng, đẹp mắt. Vợ mình vui quá đến muốn rớt nước mắt luôn".
Nhắc đến gia đình hai bên, anh Nhật Minh chia sẻ: "Ban đầu, mình cũng ngại hai gia đình phản đối. Nhưng mọi người đều bất ngờ rồi quay phim, chụp hình, cười vui lắm. Mấy bạn trong nhóm bưng quả sung quá còn nhảy luôn. Gia đình bên vợ mình ai cũng mê kèn Tây. Ngày lễ hôn phối tại nhà thờ, mình cũng nhờ ban kèn thổi rước lễ".
Cô dâu Võ Thị Phương Ánh (sinh năm 1993, hiện công nhân) chia sẻ: "Nhà mình bất ngờ vì lần đầu tiên kèn Tây được thổi trong đám cưới. Mình biết rằng đây là công việc yêu thích, đam mê của chồng nên rất ủng hộ. Anh cũng rất tâm lý khi cho thổi kèn những bài hát mình thích, nên mình vui lắm.
Mình nghĩ bây giờ phát triển rồi, tư tưởng mọi người cũng phải đổi mới, không phải nhất thiết kèn phải thổi trong đám tang, mà có thể sử dụng trong các lễ hội khác".
Anh Nhật Minh và vợ quen nhau sáu năm mới đi tới hôn nhân. Tân lang chia sẻ: "Vợ chồng mình có hoàn cảnh giống nhau, đều sống với bà nội từ nhỏ đến lớn. Cha mẹ đều không thuận lợi trong hôn nhân nên đều có gia đình khác. Vợ chồng tự dành dụm tiền và trang trải tất cả mọi thứ trong đám cưới.
Mình lên kế hoạch nhằm muốn tạo bất ngờ cho vợ, muốn phá cách để mọi người có cách nhìn khác về loại nhạc cụ này, và để kỉ niệm ngày hai đứa về chung một nhà. Gia đình tụi mình có đạo Công giáo, không kiêng cữ.
Mình cũng chọn thể loại nhạc vui tươi, sinh động mang phong cách lễ cưới. Vợ mình thấy mình suốt ngày thổi kèn Tây nên cũng có cách nghĩ thoáng. Chắc có lẽ vì yêu mình, vợ cũng yêu luôn công việc của mình".
Hiện tại, đoạn clip này được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ nhanh chóng. Công Tước (người chia sẻ đoạn clip đầu tiên) kể: "Mình cũng rất bất ngờ khi đoạn clip được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các anh em trong nghề từ khắp mọi miền. Nhất định trong tương lai nếu kết hôn, mình cũng sử dụng nhạc kèn để làm điểm nhấn cho đám cưới của mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận