Phóng to |
GS.TS Trần Ngọc Đường - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* Cảm nhận chung của GS qua lần sửa đổi Hiến pháp này như thế nào?
- Khác với các lần sửa đổi trước, sửa đổi Hiến pháp lần này diễn ra trong điều kiện nước ta đã trải qua gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Trong không khí mở cửa, hội nhập chúng ta không còn đóng khung vào những tư duy chính trị pháp lý của CNXH hiện thực trước đây, mà có điều kiện tìm hiểu kinh nghiệm của nhân loại về xây dựng Hiến pháp cả về nội dung lẫn kỹ thuật lập hiến. Về phía người dân và những người trực tiếp làm biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp như chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc hơn về bản chất, vai trò chức năng của Hiến pháp trong xây dựng một nhà nước dân chủ và pháp quyền.
* Thưa GS, so với Hiến pháp 1992 thì Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua có những điểm mới gì đáng chú ý?
- Nhìn tổng thể thì bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới cả về nội dung lẫn kỹ thuật lập hiến. Trong số đó điểm mới đầu tiên là chủ quyền nhân dân được nhận thức sâu sắc và thể hiện đầy đủ, xuyên suốt trong toàn bộ các chương của Hiến pháp. Ngay từ lời nói đầu đã khẳng định “nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”. Trước đây Hiến pháp ghi nhận nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình thông qua các cơ quan đại diện là Quốc hội và HĐND, nay Hiến pháp bổ sung thêm nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp. Điều 4 Hiến pháp tiếp tục khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng bổ sung nội dung “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
* Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp ở đây được hiểu như thế nào, thưa GS?
- Dân chủ trực tiếp trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này vừa nhấn mạnh quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền bãi, miễn đại biểu dân cử, đồng thời quy định về quyền trưng cầu dân ý. Nghĩa là nhân dân có quyền bỏ phiếu thể hiện ý nguyện của mình về những vấn đề quan trọng của đất nước, ví như trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp khi được Quốc hội quyết định. Đây là hình thức dân chủ trực tiếp cao nhất.
* Hiến pháp vừa được thông qua đưa nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên chương II thay vì để ở chương V như trước đây, điều này có ý nghĩa gì?
- Đây là điểm mới tiếp theo. Hiến pháp (sửa đổi) phân biệt quyền con người và quyền công dân mà Hiến pháp 1992 chưa phân biệt được. Đồng thời quy định quyền con người, quyền công dân một cách đầy đủ, chính xác, có tính khả thi và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc thừa nhận. Một điểm rất mới là lần này Hiến pháp xác định rõ quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật.
* Đâu là cơ sở để nói rằng các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp (sửa đổi) được thể hiện phù hợp và thống nhất với các điều ước quốc tế về nhân quyền mà nước ta đã ký kết hoặc thừa nhận?
- Điều này thể hiện rõ trong nội dung của từng điều, khoản trong chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tôi ví dụ như trước đây quy định “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Quy định như thế chưa đủ so với công ước về nhân quyền mà chúng ta ký kết. Công ước đòi hỏi bản án có hiệu lực pháp luật đó phải được xét xử theo một quy trình do luật định. Do vậy, lần này Hiến pháp (sửa đổi) đã bổ sung quy định theo tinh thần đó. Trường hợp người bị bắt, bị giam giữ, bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
* Vẫn còn ý kiến băn khoăn về quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”, chứ không phải “theo quy định của luật”?
- Về nguyên tắc chung thì “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Về nguyên tắc, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân do Hiến pháp và luật quy định, các quyền nói trên được Hiến pháp ghi nhận, còn thủ tục thực hiện các quyền đó do chưa có luật nên phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Phải xuất phát từ thực tiễn * Có ý kiến cho rằng Hiến pháp (sửa đổi) chưa đáp ứng được kỳ vọng, GS nghĩ sao? - Kỳ vọng thì rất nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng mong muốn phải phù hợp với thực tiễn đất nước. Với đặc thù của hệ thống chính trị nước ta hiện nay, nếu mong muốn đi quá nhanh mà chưa phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội thì mong muốn đó cũng chỉ nằm trên giấy, không khả thi. Thành ra việc xây dựng Hiến pháp bao giờ cũng phải xuất phát từ thực tiễn. Bản thân tôi cũng mong muốn nhiều hơn nữa ở sửa đổi Hiến pháp lần này, nhưng với thực tiễn của nước ta hiện nay theo tôi như thế là phù hợp. * Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp (sửa đổi), có điều gì mà ông “giá như”...? - Giá như có thiết chế bảo hiến độc lập, bước đầu mang tính chất tư vấn cho Quốc hội, nhưng là cơ sở để chúng ta có thực tiễn sau này xem xét cơ chế kiểm soát hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp như nghị quyết của Đảng ta đề ra. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận