16/07/2014 11:15 GMT+7

Chủ quan với đỉa cắn, phải cắt cụt chi

TS.BS LÊ MINH KHÔI (BV Đại học Y dược TP.HCM)
TS.BS LÊ MINH KHÔI (BV Đại học Y dược TP.HCM)

TT - Cách đây ít ngày, ông Châu Ngọc T., ở Quảng Ngãi, trong lúc đi làm đồng bị đỉa cắn. Vì đã quen với những vết cắn như vậy nên ông không quan tâm mà vẫn tiếp tục đi làm như bình thường.

Vài ngày sau đó chỗ đỉa cắn có biểu hiện sưng nóng nhẹ. Ông T. cũng không để ý vì nghĩ bụng một vài hôm sẽ tự khỏi. Tuy nhiên chỗ sưng ngày càng lớn và đau nhức. Ông ra tiệm thuốc tây mua vài liều thuốc uống như mỗi khi nhức đầu, cảm mạo. Nhưng sau mấy liều thuốc chân ông sưng tấy lên rất nhanh, người hâm hấp sốt. Đau nhức không chịu nổi ông mới bảo con đưa vào bệnh viện huyện. Bệnh viện huyện nhanh chóng chuyển lên bệnh viện tỉnh. Bệnh viện tỉnh sau khi sơ cứu lại nhanh chóng chuyển lên một bệnh viện lớn ở TP.HCM.

Tại đây ông được chẩn đoán sốc nhiễm trùng huyết do viêm mô tế bào bàn chân, biến chứng suy đa cơ quan. Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị hồi sức tích cực. Trong lúc điều trị, các bác sĩ sau khi hội chẩn liên chuyên khoa đã nhận định một chân bệnh nhân không thể bảo tồn được và quyết định cắt cụt nhằm tránh tổn thương lan lên cao hơn. Hiện bệnh nhân vẫn đang được hồi sức tích cực và chưa thể nói trước được điều gì.

Đầu tiên xin được nói rõ là một vết cắn của đỉa không thể gây nên hậu quả ghê gớm như vậy. Điều đáng nói là từ một vết thương nhỏ ấy, nạn nhân đã không chú ý đúng mức khi có những biểu hiện nhiễm trùng ban đầu. Nếu được điều trị đúng cách ngay từ đầu, có lẽ câu chuyện đã không có kết cục buồn như vậy.

Theo các bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm của một bệnh viện đầu ngành, đây không phải là trường hợp đầu tiên. Có nạn nhân đã tử vong vì đỉa cắn. Y văn thế giới không ghi nhận đỉa có một độc tố nào có thể gây độc cho cơ thể như một số loài bò sát và côn trùng độc khác. Khi bám vào da người, đỉa có thể tiết ra các chất có tác dụng tương tự chất gây tê cục bộ và hirudin có tác dụng chống đông làm máu tiếp tục chảy ra từ vết thương nhỏ. Vì vết cắn thường nhỏ và nông, cộng với việc máu chảy từ trong ra ngoài nên nguy cơ nhiễm trùng ngay lúc cắn không phải cao. Tuy vậy vẫn có những trường hợp đáng tiếc xảy ra như ở bệnh nhân này. Bài viết này không gọi con đỉa là thủ phạm của tình trạng bệnh đe dọa tính mạng trên mà chỉ muốn đưa ra một lời cảnh báo rằng một vết thương dù nhỏ, nhất là khi bị nhiễm trùng, nếu không được quan tâm điều trị kịp thời và đúng đắn thì hệ lụy khôn lường. Vết thương ở những vùng nguy hiểm như mặt nếu bị nhiễm khuẩn sẽ rất nhanh chóng phát tán rộng (ví dụ do nặn mụn) gây nhiễm trùng huyết. Những bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch như suy dinh dưỡng, người già, nghiện rượu, đái tháo đường, ung thư đang xạ trị hoặc hóa trị... nguy cơ này lại càng lớn.

Hãy cảnh giác với các biểu hiện bất thường dù nhỏ, đừng để cái sảy nảy cái ung, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

TS.BS LÊ MINH KHÔI (BV Đại học Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp