Tám tháng đầu năm 2023, Bình Phước đã phát hiện ba trường hợp trẻ sơ sinh bị uốn ván do sản phụ tự cắt rốn cho trẻ bằng kéo sinh hoạt sau khi sinh. Đây là những ca uốn ván xuất hiện sau nhiều năm không có trường hợp nào mắc tại tỉnh này.
Nguy kịch vì vết thương nhỏ
Hơn 9h sáng, tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, tiếng của máy thở vang lên liên tục, phía trong các y bác sĩ vẫn đang tích cực chăm sóc cho 10 ca nhiễm uốn ván phải thở máy.
Đa phần những bệnh nhân này được chuyển đến từ các tỉnh, làm nghề lao động tay chân.
Qua hơn bốn tuần điều trị uốn ván, em N.H.N. (18 tuổi, Long An) vẫn còn yếu ớt do mới được cai máy thở, kể rằng vì hoàn cảnh khó khăn N. phải nghỉ học sớm để phụ cha mẹ lo kinh tế gia đình.
Hơn một tháng trước, trong lúc cùng cha đi làm phụ hồ, em đã không may đạp phải một chiếc đinh dài khoảng 3cm dưới lòng bàn chân.
Vết đâm khiến chân chảy máu, N. chỉ kịp rút đinh ra băng bó lại vết thương rồi tiếp tục làm việc vì nghĩ vết thương sẽ nhanh chóng lành. Thế nhưng một tuần sau, em bắt đầu có triệu chứng cứng hàm, đau cơ liền được người nhà đưa đến bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán mắc uốn ván.
Do bệnh chuyển nặng, N. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị. Không có bảo hiểm y tế, viện phí vượt khả năng chi trả, gia đình phải "cầu cứu" sự giúp đỡ từ phòng công tác xã hội bệnh viện.
Nhìn người cha 87 tuổi đang nằm bất động trên giường bệnh, dây rợ quấn khắp người, ông L.Đ.H. (47 tuổi, An Giang) vẫn bàng hoàng vì không nghĩ cha mình mắc uốn ván nặng chỉ vì một vết xước nhỏ trên tay.
"Gia đình không biết là ông được tiêm vắc xin phòng uốn ván chưa. Trong lúc dọn dẹp nhà cửa, không may va quẹt bị một vết xước nhỏ trên cánh tay và chảy máu. Sau đó ông đã băng lại vết thương bằng băng cá nhân, cứ tưởng mọi chuyện không sao vì trước giờ vết thương nhỏ là tự lành, đâu có sao.
Tám ngày sau ông bắt đầu có biểu hiện đau cơ, nuốt không được, uống bị sặc nên mua thuốc uống. Tuy nhiên bệnh không hết, khi đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương khám thì phát hiện uốn ván", ông H. nhớ lại.
Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã phát hiện hai trường hợp trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn, đó là bé gái Y.D. và bé A.V., sau khi sinh từ 6-10 ngày các bé xuất hiện các triệu chứng như: cứng hàm, không bú được, co giật, quấy khóc…
Hai bé được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị với chẩn đoán uốn ván sơ sinh.
Kết quả xác minh cho thấy trong thời gian mang thai, cả hai thai phụ đều không được khám thai định kỳ và chưa được tiêm vắc xin phòng uốn ván.
Khi sinh lại không sinh ở cơ sở y tế, mà sinh ngay tại phòng ở, nhờ người không có kiến thức chuyên môn đỡ đẻ, cắt rốn bằng kéo sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, cột bằng chỉ khâu (đều không được vô khuẩn), không băng bó rốn đúng cách, từ đó dẫn đến cả hai trẻ đều bị nhiễm uốn ván.
Thời gian ủ bệnh ngắn bệnh càng nặng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hà Thị Hải Đường - phó khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết phần lớn những trường hợp điều trị uốn ván tại bệnh viện là bệnh nhân trong độ tuổi lao động và chưa được tiêm ngừa uốn ván.
Vết thương cửa ngõ gây bệnh uốn ván thường bắt nguồn từ những vết xước, vết trầy, vết thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đạp đinh, gai, sâu răng, tiêm chích không vô khuẩn… Khoảng 20% bệnh nhân không rõ vết thương ngõ vào.
Triệu chứng đầu tiên là mỏi hàm, diễn tiến cứng hàm, nhai nuốt khó, ăn uống sặc, đau cơ. Nặng hơn bệnh nhân biểu hiện cứng cơ vùng cổ, lưng, cơ bụng, cơ tứ chi, có cơn gồng cơ toàn thân, co thắt thanh quản, khí quản dẫn đến suy hô hấp.
"Đa phần những trường hợp mắc uốn ván đều trong độ tuổi lao động và cũng thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi. Khi có vết thương thường chủ quan không tiêm ngừa uốn ván và chăm sóc vết thương chưa kỹ làm dễ nhiễm bào tử uốn ván gây bệnh", bác sĩ Hải Đường nói.
Bác sĩ Hải Đường cho biết thêm, quá trình sinh đẻ cũng là một giai đoạn nguy cơ để vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Việc can thiệp, cắt dây rốn cho trẻ bằng dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn, gỉ sét dễ làm nhiễm vi khuẩn và gây uốn ván sơ sinh.
Phụ nữ mang thai nên được tiêm phòng ngừa uốn ván và trong quá trình chuyển dạ sinh, thai phụ nên đến các cơ sở y tế uy tín để sinh một cách an toàn.
Bác sĩ khuyến cáo người lớn chưa được tiêm ngừa uốn ván thì nên được tiêm ngừa chủ động 3 mũi để phòng bệnh. Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, uốn ván là bệnh cấp tính nặng, có khả năng gây tử vong do độc tố của vi khuẩn uốn ván gây ra.
Thời gian ủ bệnh từ 2 ngày đến 2 tháng, hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 8 ngày, thời gian ủ bệnh càng ngắn (dưới 7 ngày) bệnh càng nặng.
Có vết thương, xử lý ra sao?
Theo bác sĩ Hải Đường, bên cạnh việc tiêm ngừa, xử lý vết thương cũng rất quan trọng, nhiều bệnh nhân xử lý vết thương luôn tại nhà nhưng không đảm bảo vệ sinh dẫn đến nhiễm uốn ván.
Khi có vết thương như giẫm đinh bệnh nhân nên rút đinh tại chỗ, sau đó sử dụng oxy già để sát trùng. Nếu vết thương sâu, dơ thì nên đến cơ sở y tế để hướng dẫn chăm sóc. Nếu miệng vết thương nhỏ nhưng xử lý không đúng vẫn có thể dẫn đến uốn ván.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận