Công nhân, người dân đi thuê nhà trọ đang rất cần được chia sẻ, giảm giá nhà, giá phòng trong mùa dịch COVID-19 này - Ảnh: VŨ THỦY
Những sẻ chia, cảm thông ấy làm ấm lòng biết bao người giữa những lo toan mùa dịch bệnh.
Từ miễn phí đến giảm giá
Không chỉ người ở trọ, người có nhà cho thuê hiện cũng gặp không ít khó khăn khi nhiều phòng ở trọ bị trả lại, không tìm được người thuê. Thế nhưng để san sẻ những khó khăn cùng nhau, nhiều chủ nhà trọ vẫn giảm giá phòng cho người thuê.
Chị Nguyễn Hồng Thu (45 tuổi, ngụ quận 7) đã tự động miễn phí tiền nhà cho một số sinh viên thuê nhà và giảm 30% tiền thuê nhà cho những người khác.
"Nhiều người cũng ở với tôi lâu rồi. Giờ dịch vậy công ăn việc làm ai cũng ảnh hưởng ít nhiều. Mình còn làm công việc khác nên còn co kéo được, nên giúp được bao nhiêu thì giúp.
Trước mắt tôi giảm giá nhà trọ trọn tháng 3 và tháng 4, sau đó tùy tình hình dịch lại tính tiếp" - chị Thu cho biết.
Chị Thu kể cách đây mấy ngày, chị ghé quán phở của hai mẹ con người bán phở thuê nhà của chị. Chị đã nhìn thấy rõ ánh mắt lo lắng của họ vì quán ế ẩm. Trên đường chạy xe về, chị đã tấp vào lề đường nhắn tin để chia sẻ - giảm tiền thuê nhà với họ.
"Nghe chị ấy kể mấy hôm nay chỉ bán được chừng 50 tô trong khi ngày thường bán được khoảng 200 tô, tôi nhắn tin nói sẽ giảm 50% giá thuê nhà cho mẹ con chị ấy trong tháng 3 và tháng 4. Không ngờ chị ấy mừng rỡ, gọi điện khóc tu tu, rối rít cảm ơn làm tôi cũng khóc theo..." - chị Thu chia sẻ.
Tương tự, cô Huỳnh Thị Yến (66 tuổi), chủ nhà trọ ở quận Thủ Đức, cũng dự định giảm giá trọ đồng loạt cho người thuê khoảng 200.000 đồng trong tháng này. Riêng ba sinh viên đang thuê trọ, cô Yến giảm 50% tiền phòng cho các bạn.
"Nhà mấy đứa ở miền Trung, hằng ngày đều phải đi bộ đi học. Ở đây ai khó khăn tôi đều biết cả" - cô Yến chia sẻ và cho biết thêm tháng này dãy nhà trọ của cô cũng trống mấy phòng vì người thuê trả về quê tránh dịch bệnh.
Thông cảm với giáo viên mầm non phải nghỉ dạy, cô Nguyễn Thị Thu Thủy (65 tuổi), chủ một dãy nhà trọ ở phường Linh Trung (quận Thủ Đức), cũng giảm 500.000 đồng tiền phòng cho một cô giáo mầm non.
Thủy nói: "Hai chị em cô giáo ấy quê ở Tiền Giang, ở với tôi cũng lâu rồi. Tôi biết cô giáo không đi dạy được, không có thu nhập nên tự giảm tiền phòng gần một nửa. Một phòng khác có hai mẹ con, mẹ làm phụ hồ, con đi làm công ty thì tôi giảm 200.000 đồng gọi là đỡ tiền điện nước. Vậy thôi mà họ mừng lắm!".
Còn anh Trần Văn Luân (38 tuổi, quận Thủ Đức) đã dành ra hai phòng trống làm chỗ ở miễn phí cho các bạn sinh viên cần ở lại làm thêm trong mùa dịch bệnh.
"Tôi có hai căn phòng trước đây làm chỗ ở cho nhân viên làm việc cho quán ăn gần làng đại học quốc gia. Nay quán nhà tôi nghỉ vì vắng khách, nhân viên về quê nên cho các bạn sinh viên đến ở miễn phí trong mùa dịch bệnh khi ký túc xá tạm thời chưa mở cửa" - anh Luân nói.
Sau khi anh Luân dọn dẹp phòng, đưa thông báo lên một fanpage dành cho sinh viên, rất nhiều bạn đã nhắn tin, gọi điện xin đến ở.
"Nhiều bạn sinh viên còn khó khăn lắm, tôi không giúp hết được. Nhưng mình có điều kiện nên chia sẻ, giúp được bao nhiêu thì giúp các bạn..." - anh chia sẻ thêm.
Viết "tâm thư" gửi chủ nhà mùa dịch
Chị Hoàng Hương (quận 7), chủ nhà đang cho người Hàn Quốc thuê, cho biết hôm vừa rồi đã nhận được "tâm thư" của người thuê nhà với nội dung: "Tôi nghĩ dịch bệnh sẽ kết thúc sớm, nhưng không ngờ nó lại trở nên nghiêm trọng như bây giờ.
Chúng tôi chủ yếu kinh doanh dịch vụ cho người Hàn Quốc ở quận 7 nhưng tình hình hiện nay rất khó khăn. Nhiều người muốn về nhưng không về được, kinh doanh thì thua lỗ.
Nhiều người Hàn ở Phú Mỹ Hưng bị hoãn trả lương đột xuất. Doanh số của quán chúng tôi đã giảm hơn phân nửa. Tình hình này có lẽ kéo dài khoảng ba tháng nữa. Trong khoảng thời gian khó khăn này, nhờ anh chị chủ nhà có thể giảm giá thuê để hỗ trợ chúng tôi qua mùa dịch bệnh được không ạ?".
Đọc xong email, chị Hương đã quyết định giảm 50% tiền thuê nhà cho họ. "Nhận tin của tôi, anh ấy rất vui, cảm ơn rối rít, khiến tôi cũng rất xúc động. Thôi thì mình cố gắng, cùng chia sẻ khó khăn với họ" - chị Hương nói.
Tương tự, chị Đoàn T. Huyền (35 tuổi), một chủ nhà ở quận 1, cũng đã đồng ý giảm 50% tiền thuê nhà cho người thuê sau khi nhận được tin nhắn chia sẻ về tình hình kinh doanh khó khăn.
Chị Huyền kể: "Họ kinh doanh dịch vụ spa nên mùa này không có khách. Ban đầu thì họ xin giảm 50% trong tháng 3 và tháng 4, nhưng bây giờ lại phải thay đổi khi đã có công văn của chính quyền yêu cầu các cơ sở này phải đóng cửa từ ngày 14-3. Tôi dự định giảm thêm 20-30% tiền thuê nhà cho họ trong thời gian phải đóng cửa".
Hiểu hoàn cảnh kinh doanh khó khăn của người thuê nhà, chị N.T.Hương (37 tuổi, ngụ quận 10) cũng đồng ý giảm giá khi nhận được tin nhắn xin giảm giá nhà 40% của người thuê.
"Công việc của họ là kinh doanh dịch vụ matxa nên mùa này cũng phải đóng cửa, không có thu nhập gì. Chúng tôi giảm tiền thuê để cùng họ vượt qua mùa dịch" - chị Hương nói.
“Ở đây giá phòng cho thuê bao nhiêu năm nay tôi vẫn giữ vậy. Mấy ngày nay chẳng ai đến than vãn xin giảm tiền nhà nhưng mình tự biết dịch bệnh thì công ăn việc làm ai cũng bị ảnh hưởng nên tôi tự giảm giá, cùng chia sẻ với nhau lúc khó khăn thôi” - cô Huỳnh Thị Yến (66 tuổi), chủ nhà trọ ở quận Thủ Đức, TP.HCM, nói.
Tính đường về quê vì không được giảm tiền nhà
Ngồi trong căn nhà trọ ở quận Bình Thạnh, bạn Trần Hoàng Long (sinh viên năm cuối Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn) không khỏi lo lắng khi mấy ngày nay liên tục đi tìm việc nhưng vẫn chưa có.
Lúc trước, nhờ làm hướng dẫn viên du lịch nên Long kiếm được 7-10 triệu đồng/tháng. Nhắm cũng có dư nên Long và 3 người bạn thuê một căn phòng trọ 40m2, sạch sẽ, vị trí thuận tiện để ở. Trong đó tiền nhà 6 triệu đồng, tính cả điện, nước, WiFi... thì khoảng 6,5-7 triệu đồng/tháng.
Nhưng "từ khi dịch bùng phát, ngành du lịch bị ảnh hưởng trầm trọng, thu nhập giảm dần, hiện giờ tôi không kiếm được đồng nào từ nghề hướng dẫn viên. Tiền nhà, tiền sinh hoạt cạn kiệt. Trong khi đó chủ nhà trọ mới nhắn tin: "Tháng này trả đủ tiền nhà nha em".
"Tôi đang tính về quê kiếm việc thôi" - Long vừa phơi đồ vừa chia sẻ kế hoạch cuối tuần này sẽ về Nha Trang.
BÔNG MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận