13/08/2017 10:07 GMT+7

Chủ nhà Malaysia thắt chặt an ninh

HUY ĐĂNG (từ KUALA LUMPUR)
HUY ĐĂNG (từ KUALA LUMPUR)

TT- Trước khi sang Malaysia, chúng tôi đã nhận thức phần nào về điều này qua thông tin mà chính quyền thành phố Kuala Lumpur đưa ra.

Lực lượng cảnh sát Malaysia bảo vệ phía ngoài buổi tập của đội tuyển U-22 VN. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Lực lượng cảnh sát Malaysia bảo vệ phía ngoài buổi tập của đội tuyển U-22 VN. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết lực lượng nhân viên an ninh được huy động cho mùa SEA Games 2017 lên đến 12.000 người. Rất nhiều buổi diễn tập phòng chống tội phạm, khủng bố được tổ chức ở Kuala Lumpur và mỗi ngày nhật báo địa phương New Straits Times lại đăng thông tin về tình hình an ninh. Hiếm có kỳ SEA Games nào mà công tác an ninh được đặt nặng đến thế.

Đây là điều dễ hiểu bởi SEA Games 2017 mang ý nghĩa không chỉ ở thể thao. Kỳ đại hội thể thao khu vực này diễn ra đúng vào dịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Và ngày bế mạc (31-8) cũng đánh dấu tròn 60 năm ngày độc lập của Malaysia. Chính quyền Malaysia không muốn những hình ảnh không hay diễn ra trong kỳ đại hội đặc biệt của mình.

Khủng bố cũng là một mối lo tại Malaysia. Từ đầu năm 2013 đến tháng 6-2017, 258 người Malaysia đã bị bắt vì bị nghi ngờ dính líu đến Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ngoài ra, còn có 52 người nước ngoài cũng bị bắt tại Malaysia vì lý do tương tự. Thông tin về những vụ bắt bớ trước thềm SEA Games 2017 cũng liên tục được cập nhật, với tổng cộng 191 người bị giam giữ vì nhập cư bất hợp pháp chỉ trong bốn ngày từ 6 đến 9-8.

Nhưng khủng bố có thực sự là lý do khiến người Malaysia lo lắng? Sau hai ngày đặt chân đến Kuala Lumpur, thành phố này thực sự yên bình hơn rất nhiều so với tưởng tượng của chúng tôi về một kỳ SEA Games “chỗ nào cũng có cảnh sát”. Đường sá nơi đây yên bình, thái độ người dân thản nhiên và trở ngại duy nhất là chuyện kẹt xe.

“Tôi không cho rằng cảnh sát được huy động vì nguy cơ khủng bố. Là công dân Kuala Lumpur, tôi và bạn bè của mình chẳng ai lo ngại về khủng bố cả. Chúng tôi chỉ đọc thấy IS trên báo chí. Cảnh sát ở đây để giữ trật tự trên đường phố. Giao thông rất quan trọng với SEA Games, không thể để các du khách mắc kẹt vào những vụ kẹt xe được” - ông Asmir Ottman, tình nguyện viên phụ trách đoàn Myanmar, cho biết.

Thực sự tuy đông nhưng lực lượng an ninh ở Kuala Lumpur vẫn thể hiện sự gần gũi với những người nước ngoài thay vì thái độ lạnh lùng, xa cách. Có đến cả ngàn nhân viên an ninh bao quanh khu liên hợp thể thao quốc gia Bukit Jalil để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sân vận động quốc gia, nhưng thi thoảng một vài phóng viên trong lúc săn ảnh vẫn tình cờ... lọt qua được lớp rào chắn. Họ cũng tỏ ra rất nhiệt tình trong lúc hướng dẫn người nước ngoài về giao thông ở Kuala Lumpur.

“Đó là chuyện hợp lý. Làm sao Malaysia có thể thu hút du khách, có thể thắt chặt tình hữu nghị ASEAN với hàng ngàn cảnh sát làm nên một bầu không khi căng thẳng, trầm trọng được” - ông Ottman nói. Khi thấy tôi cầm trên tay một xấp tiền để mua hàng, Kumar - nhân viên tạp hóa - cẩn thận nhìn trước ngó sau rồi bảo tôi hãy nhanh cất kín tiền bạc vào người, vì trộm cắp vẫn thường xảy ra tại Kuala Lumpur.

Công nghệ được áp dụng để chống khủng bố

Dù người dân không e ngại, nhưng chính quyền Kuala Lumpur cho thấy họ có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong công tác chống khủng bố.

Lần đầu tiên các nhân viên an ninh của Malaysia được trang bị những thiết bị bức xạ, bao gồm 95 thiết bị cá nhân, 8 balô và 8 bộ nhận diện cầm tay để phát hiện vật liệu phóng xạ. Ngoài ra, hai lực lượng đặc nhiệm Special Action Unit (UTK) và Komander 69 (VAT 69) cũng được huy động trong chiến dịch giữ gìn an ninh.

HUY ĐĂNG (từ KUALA LUMPUR)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp