Không khí TP Vancouver sát biên giới với Mỹ trước trận chung kết rất rộn ràng. Sân bay quốc tế Vancouver chật kín dòng người nhập cảnh, còn ngoài sân vận động BC Place CĐV chen nhau mua sắm nơi quầy hàng lưu niệm World Cup bóng đá nữ.
Nguồn thu lớn cho Vancouver
Hàng chục ngàn CĐV Mỹ ồ ạt kéo sang Canada cổ vũ trận chung kết khiến hệ thống khách sạn ở khu trung tâm hết sạch phòng. Không ai có thể đặt phòng trọ tại Vancouver trong hai ngày 4 và 5-7 qua những trang mạng nổi tiếng nhất như Agoda hay Booking.com.
Hơn 50.000 vé của trận chung kết đã được bán sạch từ nhiều tháng trước. Giá vé chợ đen rao qua mạng tăng vùn vụt khi Mỹ lọt vào chung kết. Một tấm vé trung bình có giá gốc 300 đôla Canada nay tăng lên 800 đôla Canada (khoảng 14 triệu đồng VN). Việc tuyển Mỹ vào chung kết đã mang đến một nguồn thu béo bở cho TP Vancouver. Việc CĐV Mỹ sẽ tràn ngập sân BC Place (trong đó có cả Phó tổng thống Joe Biden và phu nhân) tạo nên một lợi thế không nhỏ cho các cô gái tuyển Mỹ.
“Tôi mua vé từ sớm cho cả gia đình gồm vợ và hai con sang Vancouver xem chung kết và kết hợp du lịch. Thật tuyệt khi xem tuyển Mỹ đá chung kết và chúng tôi mong chứng kiến đội nhà vô địch” - anh Ethan Zake, CĐV Mỹ đến từ TP Seattle (cách Vancouver chỉ khoảng 200km), hào hứng nói. Khán giả không có vé vào sân có thể xem trận đấu qua khu Fan Zone ở trung tâm TP Vancouver hay các nhà hàng, quán bar, pub có phục vụ truyền hình bóng đá. Ước tính giải đấu đã mang lại nguồn lợi lên đến 36,7 triệu đôla Canada cho xứ sở lá phong.
“Mặc dù chúng tôi yêu thích môn hockey nhất nhưng với việc được đăng cai World Cup bóng đá nữ, người Canada chú ý hơn bao giờ hết đến sự phát triển của môn bóng đá. Dù đội nhà không lọt vào chung kết, nhưng Canada vẫn thu được rất nhiều lợi ích qua việc tổ chức giải thành công” - bà Leanna Hill, tình nguyện viên của giải, chia sẻ với PV Tuổi Trẻ ở sân BC Place ngày 4-7.
“Trận đấu không chênh lệch”
Nhiều người chúng tôi gặp tại Vancouver đều đánh giá trận chung kết Mỹ - Nhật Bản kỳ này rất đáng xem bởi không có sự chênh lệch giữa hai đội. Mỹ và Nhật hiểu rõ nhau khi từng đối đầu trong hai trận chung kết trước với phần thắng chia đều: Nhật thắng trận chung kết World Cup 2011 từ loạt sút luân lưu (sau khi hòa 2-2 giờ đấu chính thức) và Mỹ phục hận thành công ở chung kết Olympic London 2012 (thắng 2-1).
Trả lời Tuổi Trẻ tại Vancouver ngày 4-7, Hibino Mari - nữ phóng viên truyền hình của Đài Fuji TV (Nhật) tác nghiệp suốt bốn kỳ World Cup bóng đá nữ (từ năm 2003 đến nay) - không cho rằng tuyển Mỹ nhỉnh hơn Nhật. Mari dự đoán tuyển Nhật sẽ thắng với tỉ số tối thiểu như cách mà họ đã vượt qua các đối thủ tại Canada trên đường vào chung kết. Trong khi đó, nhà báo Simon Evans của Hãng thông tấn Reuters nhận định với Tuổi Trẻ: “Do trình độ hai đội tuyển Mỹ - Nhật rất gần nhau nên trận đấu có thể lại kéo dài đến loạt sút luân lưu giống như trận chung kết bốn năm về trước”.
Đội nào đăng quang tại Vancouver cũng có khát vọng riêng. Với Mỹ, nếu lên ngôi họ sẽ lập kỷ lục là đội tuyển đầu tiên ba lần vô địch thế giới. Với Nhật, nếu thắng sẽ ngang bằng thành tích hai lần liên tiếp vô địch thế giới như tuyển Đức.
Kết quả trận đấu hẳn cũng giúp sự đối đầu trực tiếp giữa hai đội trưởng Carl Lloyd (Mỹ) và Aya Miyama (Nhật) trong cuộc đua đến danh hiệu Quả bóng vàng dành cho cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2015.
Nhưng trên hết, sức hút của trận chung kết năm nay không chỉ gây huyên náo một vùng đất băng giá như Canada, mà còn có tác động tích cực để bóng đá nữ được tôn trọng và quan tâm hơn trên toàn cầu - nơi có 30 triệu nữ cầu thủ tập luyện và chơi bóng thường xuyên, theo thống kê của FIFA.
[box]Tuyển nữ Mỹ được đánh giá cao hơn Nhật Bản
Truyền thông thế giới đánh giá tuyển nữ Mỹ sẽ đá bại Nhật Bản trong trận chung kết. Kênh truyền hình ESPN đăng tải kết quả dự đoán trận chung kết của 11 chuyên gia, trong đó có đến 9 người dự đoán tuyển nữ Mỹ đăng quang.
Trước khi bước vào trận chung kết, tuyển nữ Mỹ chưa để thua trận nào và đang sở hữu hàng phòng ngự chắc chắn nhất giải với 513 phút không để thủng lưới. Trong khi đó, phong độ của tuyển nữ Nhật Bản cũng ấn tượng không kém khi toàn thắng cả sáu trận trong hành trình tiến vào chung kết.
Các thành viên tuyển nữ Nhật Bản và Mỹ đã quá quen mặt nhau khi hai đội còn đó 28 cầu thủ (Nhật Bản 15 cầu thủ, Mỹ 13 cầu thủ) từng góp mặt ở World Cup 2011 - nơi tuyển nữ Nhật Bản đá bại Mỹ để lên ngôi vô địch. Trong đó, thủ môn Hope Solo và tiền vệ Aya Miyama sẽ tạo nên một trong những cuộc đối đầu đáng xem nhất. Sự xuất sắc của thủ thành 33 tuổi Hope Solo với 13 lần cứu thua tại World Cup 2015 chính là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao hàng phòng ngự tuyển Mỹ mới chỉ để thủng lưới một bàn. Còn ngôi sao Aya Miyama là chìa khóa cho mọi chiến thắng của tuyển Nhật Bản, cũng đang là cầu thủ dẫn đầu danh sách ghi bàn cho đội bóng này với hai lần lập công.
(H.D.)[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận