Ảnh tư liệu |
Chia sẻ cho chúng tôi nghe câu chuyện của chính mình, anh N. (Trà Vinh) kể: “Gia đình tôi đang sống yên ổn thì bỗng một ngày chủ nợ đến xiết nhà đòi mẹ tôi phải trả nợ, chúng tôi phải bỏ trốn lên TP.HCM sống trong một xóm trọ nghèo. Dần dần cuộc sống cũng ổn định trở lại. Đến một ngày lại có giang hồ đến đòi nợ mẹ tôi".
"Mẹ tôi khóc lóc đòi tự tử, dù tôi và cha có gặng hỏi như thế nào, bà cũng không nói tại sao lại mượn một số tiền lớn đến như vậy. Từ đầu xóm đến cuối xóm, không có ai mà mẹ tôi không mượn tiền”.
Hằng tháng anh N. vẫn đi làm góp tiền trả nợ cho mẹ, nhưng nỗi tức giận và uất ức trong anh vẫn bao giờ nguôi. Anh chỉ giận sao mẹ không nói lý do vay nợ cho gia đình biết? Phải chăng đó là một điều gì tội lỗi? Tại sao mẹ lại khiến cả gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn thế này?
“Tôi vẫn rất thương mẹ của mình, nhưng thực sự thì tình cảm của tôi dành cho bà cũng ít nhiều bị ảnh hưởng sau những chuyện như thế”, anh N. tâm sự.
Nhiều người tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của gia đình anh N., tuy vậy có không ít người trăn trở rằng nếu họ gặp phải tình huống như anh, họ sẽ làm gì? Nên giữ tròn đạo hiếu hay nên suy tính vì lợi ích tốt nhất cho cả gia đình?
Thế nào mới là “vô điều kiện”?
Chia sẻ với câu chuyện trên, thạc sĩ (ThS) tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng dù trong xã hội nào, việc báo hiếu vẫn gần như là việc đương nhiên, là yếu tố hàng đầu trong đời sống tình cảm gia đình. Tuy nhiên, việc báo hiếu không phải là “vô điều kiện” như cách mọi người thường nghĩ.
“Vô điều kiện thực ra có thể hiểu ở khía cạnh là khi báo hiếu cho cha mẹ, chúng ta không so đo tính toán, không cân nhắc thiệt hơn, không đùn đẩy trách nhiệm, không có những suy nghĩ kiểu như ngày xưa nuôi con chừng đó thì giờ chỉ báo hiếu lại chừng đó".
"Tuy vậy, báo hiếu không có nghĩa là phải làm theo mọi yêu cầu của cha mẹ, phải chấp nhận hoặc đồng lõa với hành vi của cha mẹ dù cho hành động ấy là sai trái về mặt đạo đức và pháp luật”, ThS Trang Nhung nói.
Theo ThS Trang Nhung, nếu hành vi của bố mẹ vượt quá khả năng chịu đựng về mặt vật chất và tinh thần thì con cái không nên nhất mực chiều theo mà cũng phải bày tỏ ý kiến của bản thân.
“Không thể dồn hết tình cảm mà thiếu đi lý trí, trong nhiều hoàn cảnh chúng ta phải làm những hành động là đúng nhất, tốt nhất cho nhiều người. Việc đó đôi khi có thể khiến cha mẹ buồn lòng, tổn thương, nhưng xét sâu xa nếu hành động ấy là tốt cho gia đình và xã hội cũng như bản thân thì nên dũng cảm”, ThS Trang Nhung khuyên.
Về phía các bậc làm cha, làm mẹ, ThS Trang Nhung cho rằng bản thân cha mẹ phải là tấm gương cho con cái. Cha mẹ muốn con cái có hiếu với mình thì chính họ cũng phải có hiếu với cha mẹ của họ. Bên cạnh đó, họ còn cần là tấm gương đối nhân xử thế tốt để con cái noi theo.
Chữ hiếu thời nay đã khác
Theo tiến sĩ (TS) Lý Tùng Hiếu - giảng viên khoa văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM), lòng biết ơn nói chung và ý thức về chữ hiếu nói riêng trong thời buổi hiện nay đã khác xưa nhiều. Hiếu đạo ngày nay là một nghĩa vụ có điều kiện, không còn là bổn phận vô điều kiện như trước nữa.
Chữ hiếu của thời xưa hình thành từ lối sống và cách tổ chức cuộc sống cộng đồng. Cụ thể, thời xưa phần lớn mọi người đều sống trong các đại gia đình, đặc biệt là người miền Bắc.
Ở xã hội đó, người ta không thể trưởng thành, tự lập mà thiếu sự giúp đỡ của cha mẹ, ông bà, họ hàng gần xa trong thân tộc. Người ta không thể thoát ly khỏi mối quan hệ gia đình trong suốt cuộc đời mình.
Do đó bổn phận của con cháu đối với cha mẹ, ông bà là phải làm tròn đạo hiếu, tức là phải vâng lời, chăm sóc phụng dưỡng và khi ông bà cha mẹ qua đời thì phải lo toan mồ mả, cúng giỗ hằng năm.
Hơn nữa, thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa phụ thuộc rất nhiều vào tôn giáo, tín ngưỡng.
“Với cách tổ chức cộng đồng và tín ngưỡng tôn giáo như thế, người ta xem việc làm tròn chữ hiếu là việc đương nhiên và vô điều kiện".
"Còn ngày nay người ta không còn sống trong các đại gia đình, chỉ còn các tiểu gia đình bao gồm cha mẹ con cái hoặc chỉ có một trong hai, hoặc cha, hoặc mẹ. Thêm nữa, người ta không còn thuần túy sống trong thế giới quan, nhân sinh quan tôn giáo mà sống nhiều về vật chất”, ông Hiếu phân tích.
TS Lý Tùng Hiếu cho rằng chữ hiếu “có điều kiện” thời nay có thể hiểu là con cháu nhận ơn trực tiếp từ người nào thì sẽ nhớ ơn người đó và tùy điều kiện mưu sinh mà sẽ đền ơn đáp nghĩa trong khả năng của mình.
Còn đối với những người không yêu thương, không quan tâm chăm sóc thì con cháu cũng không ràng buộc bởi ý thức phải báo hiếu.
*Bạn nghĩ gì về chữ hiếu thời nay? Xin vui lòng để lại ý kiến ở ô Bình luận bên dưới bài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận