Một cảnh trong phim IT Chapter Two đang gây sốt tại các phòng vé - Ảnh: YOUTUBE
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đi tìm lời giải cho câu hỏi này...
Trẻ con sợ chú hề hơn là thích
Năm 2003, nghiên cứu của ĐH Sheffield (Anh) cho thấy rất ít trẻ em thích chú hề. Khi đó, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 250 trẻ từ 4-16 tuổi, tất cả đều nói ghét những bức hình chú hề trang trí trong các bệnh viện nhi, phần lớn sợ hãi khi nhìn thấy hình vẽ nhân vật này vào ban đêm.
Theo trang Popular Science, từ thời Ai Cập cổ đại, nhân vật hề chuyên mua vui cho giới quý tộc đã có mặt. Đến thế kỷ 16, từ "chú hề" (clown) lần đầu xuất hiện trong kho từ vựng tiếng Anh khi Shakespeare dùng mô tả một nhân vật ngốc nghếch và khờ khạo trong vở kịch của mình.
Khoảng giữa thế kỷ 19, các chú hề bắt đầu xuất hiện trong rạp xiếc với khuôn mặt vẽ nhiều màu, mái tóc gi đặc trưng cùng bộ quần áo quá khổ. Cho đến giờ hình tượng ấy chỉ thay đổi đôi chút.
Vì sao cũng là nhân vật hề, cách đây gần 150 năm là biểu tượng của sự hài hước thì nay lại làm nhiều người sợ hãi đến thế?
Hình ảnh các chú hề trong thế kỷ 19 - Ảnh: PINTEREST
Trong nghiên cứu của mình, ông Frank T.McAndrew - nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng người Mỹ và là giáo sư Trường Knox College, tiến hành cuộc khảo sát gồm 2 phần trên 1.341 người từ 18-77 tuổi.
Trước tiên, tình nguyện viên được yêu cầu xây dựng một nhân vật mẫu có thể gây sợ hãi cho mọi người bằng cách lựa chọn 44 tiêu chí mà nhóm nghiên cứu đưa ra. Kết quả, các đặc điểm của một người đáng sợ được hầu hết người tham gia chỉ ra gồm: là nam giới, có chuyển động mắt khác lạ và không thể đoán trước hành động. Một số tiêu chí khác cũng được lựa chọn nhiều là đôi mắt to phồng, nụ cười bí hiểm và các ngón tay quá dài…
Dựa trên những tiêu chí đã chọn, tình nguyện viên được yêu cầu chỉ ra ai - nghề nghiệp nào trong cuộc sống khiến họ sợ hãi và cho thang điểm cụ thể. Kết quả, chú hề đứng đầu danh sách.
Ám ảnh từ thực tế
Những hình tượng gây cười ước lệ của chú hề cách đây hơn trăm năm giờ đã có phần thay đổi - Ảnh: SHUTTERSTOCK
TS Rami Nader - nhà tâm lý học ở British Columbia (Canada), đã dành nhiều thời gian nghiên cứu nỗi sợ có phần vô lý của nhiều người đối với các chú hề. Ông cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến người ta bị chú hề ám ảnh là do sự không rõ ràng của hình tượng nhân vật: những đặc điểm hài hước có phần ước lệ được tạo dựng hơn 150 năm trước thì nay có phần khó hiểu trong thế kỷ 21.
Chẳng hạn, hai má trắng bệch, đôi mắt sâu, cái mũi đỏ liệu có còn gây cười hay lại là một nét "dị lạ", khó đoán; gương mặt - nhất là khi không cười, nhìn tổng thể toát lên niềm vui, sự hạnh phúc hay là sự bí ẩn và có phần ghê rợn?
GS McAndrew lý giải thêm: trong giao tiếp, nếu đối phương tạo cho mình cảm giác ngờ vực với những nét bí hiểm của họ, phản ứng tự nhiên của chúng ta là phải đề phòng, nỗi sợ là không tránh khỏi.
Cũng theo GS McAndrew, nỗi sợ trước sự bí ẩn của hình tượng chú hề càng lớn hơn do nhiều trải nghiệm thực tế đã lấn át nét hài hước ước lệ vốn có của nhân vật.
Điển hình những năm 1970, tay giết người hàng loạt John Wayne Gacy (1942-1994) thường vận trang phục của gã hề đến sinh nhật của nhiều trẻ em rồi giết hơn 33 người, phần lớn là trẻ em trai.
Wayne Gacy thường được gọi là "Gã hề sát thủ" (Killer Clown) vì ngoài cải trang giống hề, Gacy thường xuyên để lại các bức họa khó hiểu về nhân vật này.
Từ đây, người ta bắt đầu nhìn hình tượng chú hề theo một góc độ khác: cũng là nét trang điểm đó, gương mặt đó nhưng giờ đã mang một chút rùng rợn.
Một trong nhiều bức vẽ về chú hề mà tay sát nhân John Wayne Gacy để lại. Cùng một bức hình này, nhìn từ 2 góc độ sẽ thấy cả 2 sắc thái của chú hề: vui vẻ hoặc rùng rợn - Ảnh: The Orchid Club
Nỗi ám ảnh càng lớn khi liên tiếp có những vụ cướp của, giết người mà hung thủ ăn mặc giống chú hề, đặc biệt ở nước Mỹ. Đó là chưa kể phim ảnh đã tác động một phần vào sự thay đổi cách nhìn nhận nhân vật này.
Thật ra, chú hề cũng là một trong những ví dụ điển hình về sự thay đổi cách đánh giá của con người trên cùng một sự vật theo thời gian. Cùng một nhân vật, thậm chí cùng một bức tranh về gã hề, có người thấy buồn cười, có người lại thấy đáng sợ; có người ngày trước thấy vui, nay lại thấy ghê rợn.
Theo TS Naider, đây là một thay đổi tất yếu nằm trong chuyển động chung của sự phát triển xã hội. Bởi sau hơn 1 thế kỷ, cách nhìn nhận của con người bị chi phối rất lớn bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có cả nghệ thuật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận