Thay vì ganh đua bằng điểm số, học sinh được đánh giá theo sự tiến bộ; thay vì so sánh hơn thua bạn bè, học sinh được tạo cơ hội để chỉ phải so sánh với chính mình. Tiến bộ, hay ho như vậy nhưng chữ H đang khiến nhiều phụ huynh, học sinh và cả thầy cô giáo, nhà trường khốn khổ.
"Chỉ vì một chữ H mà con tôi không được khen thưởng danh hiệu xuất sắc. Mà phải chi đó là môn văn hay môn toán thì không bực. Đằng này, con tôi bị đánh giá H ở môn âm nhạc". Đó là đoạn trích trong bài viết của một phụ huynh có con vừa học hết lớp 1 đang nóng trên mạng xã hội và cả trên báo chí chính thống.
Nhiều người đồng cảm và đồng tình với "chủ thớt": "Oan ức quá, con mình cũng bị như vậy", "Cách đánh giá vậy là cảm tính, thà quay trở lại cho điểm còn chính xác hơn", "Môn gì H cũng được nhưng sao lại là âm nhạc?"...
Nhưng cũng có không ít phụ huynh bình thản cho rằng "có gì đâu mà làm quá": "Mới lớp 1 thôi mà, danh hiệu xuất sắc để làm gì?", "H môn âm nhạc thì đã sao?", "Không lẽ con đã giỏi toán, tiếng Việt rồi còn bắt con phải giỏi cả âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất ư?"...
Rõ ràng, cũng là chữ H đó thôi nhưng góc tiếp cận khác nhau sẽ mang lại những kết cục khác nhau. Nếu tôn trọng giáo viên - nhà trường, chấp nhận rằng con mình không thể là thần đồng trong mọi lĩnh vực, bằng lòng với kết quả học tập của con, chữ H cô cho sẽ nhẹ nhàng, êm đẹp.
Ngược lại, nếu (phụ huynh) hơn thua, cay cú, muốn Facebook của mình phải "sáng nhất đêm nay" với danh hiệu xuất sắc của con, chữ H kia là không thể chấp nhận được, dù nó phản ánh trung thực năng lực của con mình.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 3 của một trường tiểu học ở TP.HCM kể rằng vì chữ H này mà chủ nhật vừa rồi cô phải chạy lên trường để xử lý khiếu nại của một phụ huynh.
"Tôi giải thích với phụ huynh là học sinh có thể được điểm 10 môn tiếng Việt, toán và cũng có thể H môn âm nhạc. Chúng ta phải tôn trọng giáo viên bộ môn. Hơn nữa, bây giờ là thời của giáo dục toàn diện, do vậy không nên đặt vấn đề môn chính môn phụ nữa", cô giáo kể.
Cô cho biết mình là một trong những giáo viên hiếm hoi của trường dám để cho 9 học sinh trong lớp "bị" khen thưởng mức "học sinh tiêu biểu", 27 học sinh còn lại đều "học sinh xuất sắc".
"Xuất sắc đâu ra mà nhiều thế, có lớp 100% học sinh xuất sắc! Lễ tổng kết năm học khen thưởng nhiều đến nỗi mỗi lớp phải cử đại diện lên nhận thưởng vì sân khấu... không đủ chỗ", cô giáo bức xúc nói. Cô cũng khẳng định mình sẵn sàng không nhận danh hiệu thi đua xuất sắc khi hạ bút cho H đối với những học sinh chỉ đạt mức "hoàn thành".
Nhân chuyện chữ H ngày nay lại nhớ tới bức thư mà khoảng 200 năm trước tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi cho thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học.
Bức thư có đoạn: "Xin thầy hãy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng... Xin hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi"...
Thành tích là tốt, nhưng áp lực để bằng mọi cách đạt được thành tích thì thật đáng sợ. Để chữ H giữ được vẻ đẹp của nó và không còn là nỗi khốn khổ, học sinh (và có lẽ cả phụ huynh) cần thi triển tinh thần trên đây của Abraham Lincoln, có thể "Việt Nam hóa" thành: "Sẵn sàng chấp nhận chữ H một cách chính xác, trung thực còn hơn một chữ T gian dối, hình thức"!
Và một điều quan trọng nữa, việc đánh giá của giáo viên cũng cần thực chất, khách quan, công tâm vì sự phát triển, tiến bộ của học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận