Hướng dẫn du khách Trung Quốc khai báo y tế trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Ảnh: Hồng Thảo |
Chiều 5-6, bà Ngô Thị Kim Yến, phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết Bộ Y tế yêu cầu từ ngày 5-6, các địa phương phải áp dụng tờ khai y tế đối với du khách đến từ vùng bệnh nhưng ngành y tế Đà Nẵng đã chủ động cho triển khai từ ngày 3-6 tại sân bay Đà Nẵng.
Theo bà Yến, trong trường hợp nếu nghi ngờ có ca bị bệnh MERS-CoV thì sẽ cho cách ly điều trị tại khoa y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng).
Sở Y tế Đà Nẵng lo ngại nguy cơ lây truyền dịch bệnh MERS-CoV vào Đà Nẵng khi mỗi tuần sân bay quốc tế Đà Nẵng có 22 chuyến bay đến từ Hàn Quốc với khoảng 4.500 hành khách.
Cùng với đó là 63 chuyến bay/tuần với 12.000-13.000 người đến từ Trung Quốc (hai quốc gia có dịch bệnh MERS-CoV).
Đo thân nhiệt tại cửa khẩu
Vào chiều 5-6, Tuổi Trẻ ghi nhận công tác lấy tờ khai y tế tại sân bay Đà Nẵng đối với chuyến bay chở 166 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn đến từ Incheon (Hàn Quốc) được thực hiện khá nhanh.
Tổ kiểm dịch đã bố trí bốn bàn khai y tế bổ sung trong trường hợp khách chưa kịp làm tờ khai trên máy bay. Các kiểm dịch viên kiểm tra lại các nội dung tờ khai y tế và tiến hành đo thân nhiệt, trung bình mỗi hành khách chỉ mất 15-20 giây cho các hoạt động này.
Tại Lào Cai, Chi cục Kiểm dịch y tế tỉnh chủ động tăng cường nhân lực, thiết bị phát hiện sớm, dung dịch sát khuẩn tại các cửa khẩu để phòng chống dịch MERS-CoV.
Ghi nhận ngày 5-6, tại hai cửa xuất cảnh và nhập cảnh thuộc cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cơ quan chức năng đã lắp đặt hai máy đo thân nhiệt của người làm thủ tục xuất và nhập cảnh qua biên giới Việt - Trung.
Tại đây, cán bộ kiểm dịch y tế hướng dẫn du khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam khai báo y tế, đo thân nhiệt bằng máy để phát hiện những trường hợp sốt cao bất thường, nghi nhiễm MERS-CoV.
Ông Trần Đức Hùng, phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế Lào Cai, cho biết hiện đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người xuất nhập cảnh có đi/đến/ở từ vùng dịch; người có nguy cơ cao như công dân, người lao động, khách du lịch có tiếp xúc, làm công việc ở nông trại liên quan đến lạc đà, thuộc các quốc gia khu vực Trung Đông.
Việc kiểm tra, giám sát thực hiện bằng máy đo thân nhiệt từ xa và các biện pháp chuyên môn khác. Mục tiêu là nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc MERS-CoV để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa sự lây lan ra cộng đồng.
Tại Lạng Sơn, nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch lây nhiễm qua các cửa khẩu vào Việt Nam, cơ quan y tế Lạng Sơn đã phối hợp với biên phòng, hải quan... hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV đối với các trường hợp đến từ vùng có dịch bệnh.
Cụ thể, tại hai cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu liên vận đường sắt quốc tế Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) hằng ngày có hơn 2.500 lượt khách xuất nhập cảnh qua lại.
Để kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn (thuộc Sở Y tế Lạng Sơn) bố trí cán bộ y tế trực 24/24 giờ, thực hiện giám sát phòng dịch, kiểm tra y tế đối với người nhập cảnh, theo dõi thân nhiệt khách nhập cảnh qua máy đo thân nhiệt từ xa, phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Hảo, phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An, ngày 5-6 cho biết sở đã nhận sự chỉ đạo của Bộ Y tế tập trung theo dõi và sẵn sàng chống dịch cũng như kịp thời phản ứng trong mọi tình huống.
Cụ thể, Sở Y tế đã triển khai các đội kiểm dịch tại cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) và cụm cảng Cửa Lò.
Các máy đo thân nhiệt cũng được đặt ở hai địa điểm này để sẵn sàng phát hiện dịch MERS-CoV cũng như các dịch cúm khác. Cán bộ trong ngành cũng đã được tập huấn công tác chống dịch, chuẩn bị phác đồ điều trị cho mọi tình huống.
Còn tại Hải Phòng, Sở Y tế phối hợp với cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cảng Hải Phòng triển khai các phương án giám sát, phòng chống dịch MERS-CoV.
Bà Phạm Thu Xanh, giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, cho biết tại địa phương chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ nhiễm dịch bệnh nguy hiểm này. Tại sân bay Cát Bi được bố trí một máy đo thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe hành khách đến Hải Phòng.
Du khách hủy tour đi Hàn Quốc
Theo các công ty du lịch trên địa bàn TP.HCM, một lượng đáng kể du khách Việt đã thông báo hủy tour du lịch Hàn Quốc. Các công ty này cho biết sau nhiều ngày chủ động gọi điện thoại hỏi thăm thông tin về dịch
MERS-CoV, đến sáng 5-6 nhiều du khách Việt đã yêu cầu được hoãn, dời tour, thậm chí là hủy tour du lịch sang Hàn Quốc vì sợ có thể bị nhiễm dịch.
Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Trần Văn Long cho biết lượng khách của công ty bỏ tour khá nhiều, tính đến chiều 5-6 có đến hơn một nửa số khách đã đăng ký mua tour đề nghị hủy không đi và chủ động xin dời lịch khởi hành sang dịp khác.
Tương tự, bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc truyền thông tiếp thị Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist (STS), thông tin có một số khách chủ động hủy tour, còn phần lớn khách yêu cầu cung cấp thông tin về các tour khác có giá tương đương hoặc thời gian khởi hành phù hợp với lịch của khách để chuyển sang.
Hiện công ty chủ động cập nhật thông tin từ đối tác và Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại VN để chuyển thông tin cho khách qua email.
“Cũng có khách đến tận công ty để hỏi tình hình và nhờ tư vấn” - bà Trà cho hay. STS cũng đề nghị khách có thể mua tour nội địa hoặc chuyển khách sang các tour có ngày khởi hành gần cuối tháng 6 cho khách chủ động lựa chọn.
Theo nhiều công ty du lịch, tour Hàn Quốc hiện đang bán khá chạy vì giá cả hợp lý, lịch bay dày đặc, hơn nữa đang là dịp hè nên lượng khách đăng ký rất đông.
Các công ty du lịch lớn mỗi tuần có trung bình 2-3 đoàn (mỗi đoàn 20-25 khách) du lịch sang Hàn Quốc nhưng tình hình này nhiều khả năng lượng khách mua tour Hàn Quốc sẽ giảm mạnh.
Các đề nghị chuyển tour sang các điểm đến khác có giá tương đương như Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản... cũng sẽ khó giải quyết vì số chỗ trên các chuyến bay mà các hãng hàng không dành cho công ty du lịch không còn nhiều, hơn nữa phải mất thêm chi phí và thời gian xin visa.
Lập 4 đội phản ứng nhanh Trước diễn biến nguy hiểm của dịch MERS-CoV, chiều 5-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định thành lập bốn đội phản ứng nhanh chống dịch MERS-CoV tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây nguyên. Theo đó, đội phản ứng nhanh miền Bắc do ông Trần Đắc Phu (cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) làm đội trưởng. Đội miền Nam do ông Phan Trọng Lân (viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM) làm đội trưởng. Đội miền Trung do ông Viên Quang Mai (viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang) làm đội trưởng, đội Tây nguyên do ông Phạm Thọ Dược (viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên) làm đội trưởng. Cũng theo quyết định này, các đội sẽ thường trực công tác chống dịch MERS-CoV tại địa bàn phụ trách, tổ chức cách ly, điều trị bệnh nhân và tổ chức các hoạt động phòng chống dịch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận