Kết nối trực tiếp đến hội thảo Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Ronny - phó chủ tịch, chuyên gia nước, kỹ thuật trưởng, giám đốc phát triển Tập đoàn P2W từ Israel - đã giới thiệu về công nghệ khử mặn tiên tiến mà đất nước này đang sử dụng.
Chuyên gia Israel mong muốn giải quyết vấn đề nước ở Việt Nam
Hiện tại, Israel đã xây dựng 5 nhà máy khử nước biển với tổng công suất 786 triệu m3 mỗi năm, tương đương khoảng 85% nhu cầu của đất nước.
Ông Ronny cho biết công nghệ khử mặn tiên tiến của Israel sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và thu hồi năng lượng đặc biệt, toàn bộ hệ thống có tỉ lệ thu hồi cao có tất cả các ưu điểm vừa nêu, với chi phí vận hành hiệu quả.
"Với 2/3 diện tích là sa mạc, chúng tôi cũng xử lý gần như toàn bộ nước thải và tái sử dụng cho mục đích công nghệ và tưới tiêu, thủy lợi. Bao gồm các phương án xử lý sinh học, vật lý, hóa học, điện... và các giải pháp xử lý tiên tiến khác có tỉ lệ thu hồi cao nhất", ông Ronny nói.
Song song đó, Israel còn triển khai trên toàn thế giới công nghệ tưới nhỏ giọt tiên tiến nhất và kết quả là năng suất cây trồng ở đây tăng hơn gấp đôi. Và hơn 80% sản phẩm nông nghiệp từ phương pháp tưới tiêu này đang được xuất khẩu trên toàn thế giới.
Chia sẻ thêm, ông Palmach Zeenvy - chủ sở hữu Tập đoàn P2W - cho biết trong quá trình hoạt động cung cấp giải pháp cho mọi vấn đề nước trên toàn cầu, công ty cũng biết Việt Nam đang thiếu hụt nước ở nhiều nơi.
"Chúng tôi khuyên các bạn nên xây dựng ngay các nhà máy khử mặn ở miền nam Việt Nam và bổ sung khả năng tái chế nước thải để phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp. Tôi sẵn sàng lập một phái đoàn có chuyên môn gồm các công ty tốt nhất Israel để đến đánh giá, hỗ trợ.
Chúng tôi có thể áp dụng bí quyết sâu rộng của Israel vào Việt Nam để giải quyết các vấn đề thiếu hụt nước uống, nước sinh hoạt cũng như nước cho tưới tiêu, sản xuất", ông Zeenvy cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Linh - chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Cửu Long Capital - cho hay công ty đã nhiều năm xây dựng nhà máy thích ứng với hai đầu đầu vào, gồm nước ngọt, nước nhiễm mặn.
"Ở nhà máy này, nếu nước đầu vào thì sẽ xử lý an toàn rồi đưa đến các trạm cấp nước, trung tâm cấp nước sạch nông thôn, công ty cấp nước của tỉnh rồi dẫn đến các hộ dân.
Còn nguồn vào là nước bị nhiễm mặn chúng tôi thực hiện thao tác để chuyển đổi trạng thái hệ thống nước này qua hệ thống lọc mặn theo công nghệ châu Âu, lọc nước mặn và lọc tạp chất gây ô nhiễm… cuối cùng thành nước ngọt rồi dẫn đến các trạm cấp nước", ông Linh thông tin.
Đồng thời đưa ra mô hình nhà máy nước di động, mô hình nhà máy nước đã nói ở trên nhưng đã có thể thu nhỏ, được thiết kế trong container.
Nhận thức rõ ràng các loại nguồn nước để có giải pháp phù hợp
Tại hội thảo, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng phải phân loại rạch ròi ra các loại nguồn nước mới có cách ứng phó phù hợp với tình hình hạn mặn hiện nay.
"Phải xác định năm loại nước là nước để ăn uống, nước cho sinh hoạt, nước cho sản xuất, nước cho giao thông và nước để tạo ra đa dạng sinh học. Trong đó nước để sản xuất còn phân ra ba loại nước ngọt, nước lợ, nước mặn để phục vụ cho các ngành sản xuất khác nhau.
Phải phân định rõ vậy để hài hòa, tránh xung đột và xác định được nguồn vốn phù hợp để đầu tư", ông Hiệp nói.
PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung - phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ - nhận định hội thảo đã đưa ra câu chuyện rất hữu ích là nhu cầu về nước. Đây là cơ sở để có thể tính toán được làm sao để trữ nước, tạo được nguồn nước đáp ứng nhu cầu. Từ đó có quy hoạch phát triển bền vững.
"Không chỉ là nước ngọt mà còn vấn đề có nguồn nước riêng như mưa, sông, hồ, nước lợ, mặn, nước ngầm. Phải xác định được trữ lượng nước. Kể cả trữ lượng nước biến động theo thời gian.
Qua đó xác định được nhu cầu và ráp với trữ lượng nước từ nhiều vùng khác nhau. Rồi những chính sách, chiến lược, các giải pháp trước mắt đi kèm tác động phụ... Hội thảo đã đưa ra bức tranh tổng thể để có thêm giải pháp về nhu cầu nước và sử dụng nguồn nước", ông Trung phát biểu.
Ông Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đồng ý với các chuyên gia việc khi đưa ra chính sách, phải tính toán về chi phí, lợi ích để đầu tư một công trình phát huy hiệu quả đồng vốn và các vấn đề khác có liên quan.
"Chúng tôi xác định truyền thông cũng quan trọng trong câu chuyện cùng phòng chống hạn, mặn. Truyền thông mang tính dự báo. Dự báo đúng và cần đến trực tiếp với người dân để họ ứng phó với xâm nhập mặn, cập nhật được nồng độ mặn chủ động lấy nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt phù hợp.
Vai trò cơ quan báo chí, trong đó có báo Tuổi Trẻ luôn là trách nhiệm trong tính cảnh báo", ông Toàn kết luận.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai:
Phát triển cây ăn trái là một trong những ngành kinh tế chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long. Thông thường các loại cây ăn trái sẽ cho thu hoạch cao nhất vào giai đoạn năm thứ 4 tính từ thời điểm trồng.
Với vòng lặp 4 năm một lần, El Nino sẽ xóa hết các thành quả mà người nông dân vun trồng trong 3 năm trước đó nếu không chủ động được nguồn nước.
Như vậy, bài toán an ninh nguồn nước cho phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long là phải có nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong giai đoạn muộn của các tháng mùa khô, thông thường vào các tháng 3, 4 và 5 trong các năm có El Nino xuất hiện.
Để giải quyết bài toán này chỉ có thể áp dụng đồng thời các giải pháp về hồ chứa, đường ống dẫn nước quy mô lớn kết nối liên vùng, đồng thời áp dụng việc chuyển dịch các loại hình kinh tế và giải pháp sử dụng nước tiết kiệm.
Trong bối cảnh nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu ngày càng cạn kiệt bởi các công trình thủy điện dòng chính và dòng nhánh trên hệ thống sông, các công trình thủy lợi chuyển nước ở các quốc gia thượng nguồn, chúng ta phải chủ động được nguồn nước nội địa được tích trữ từ nước mưa trong các hồ chứa nội đồng và từ các túi nước nội địa vùng tứ giác Long Xuyên đưa về các tỉnh phía Tây Nam và hồ Dầu Tiếng về hệ thống sông Vàm Cỏ.
Đối với các công trình hạ tầng cần phải được nghiên cứu cặn kẽ về chi phí, lợi ích và các tác động phụ của công trình đối với hệ sinh thái, văn hóa, sinh kế, giao thông thủy và môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận