Sau hai vụ việc kể trên, LĐBĐ VN (VFF) đều có công văn đề nghị lãnh đạo, ban huấn luyện các CLB tăng cường công tác quản lý. Với cầu thủ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với cá nhân, gia đình, CLB và xã hội; tự nâng cao nhận thức về tác hại và hậu quả. Nhưng chừng đó liệu đã đủ?
Tăng cường giám sát ở CLB
Những cám dỗ trong môi trường bóng đá không chừa bất cứ cầu thủ nào. Ngay cả những ngôi sao tên tuổi đều có thể trở thành mục tiêu của tiêu cực. "Quả bóng vàng Việt Nam 2017" Đinh Thanh Trung hay tuyển thủ U23 Việt Nam Nguyễn Ngọc Thắng vừa bị Công an Hà Tĩnh tạm giữ vì sử dụng ma túy là một minh chứng. Do đó, nhận thức xã hội của mỗi cầu thủ là điều cần trang bị để bản thân không vi phạm.
Trên thực tế, liệu có cầu thủ nào dám đứng ra tố cáo đồng đội mình đang chơi ma túy hay dàn xếp tỉ số? Câu trả lời là khó. Cựu tiền vệ Phan Văn Tài Em, người từng tố cáo đồng đội bán độ ở SEA Games 23, chia sẻ: "Nhiều cầu thủ không giữ được mình trước những cám dỗ. Tôi nghĩ môi trường CLB phải đảm bảo xuyên suốt sự quan tâm, giám sát từ cấp lãnh đạo xuống ban huấn luyện. Nếu mình biết mà không báo thì dần dần tệ nạn xâm nhập sâu vào đội rồi cuốn mình theo. Tôi cũng phải chấp nhận mất nhiều thứ để mình can đảm nói ra vì mong cho bóng đá tốt hơn", Tài Em thừa nhận.
Trên thực tế, có nhiều cầu thủ biết đồng nghiệp hay đồng đội của mình có liên quan đến tiêu cực (chơi chất kích thích, cá cược, dàn xếp tỉ số...) nhưng không dám tố cáo. Dần dần, những "con sâu" đã phá hỏng nồi canh. Những cầu thủ lớn trong đội bóng lôi kéo làm hư các cầu thủ trẻ như trong hai vụ tiêu cực kể trên. Điều đáng nói, không phải các đội bóng đều không biết cầu thủ mình làm gì, vấn đề chỉ là họ có dám làm mạnh tay hay không, do nhiều cầu thủ đóng vai trò quan trọng trong đội. "Dân thể thao rất tinh mắt. Cầu thủ nào ra tập uể oải, thiếu ngủ nhìn sẽ biết ngay. Hôm trước anh tập khỏe, hôm sau tập yếu mà không phải do ốm là có vấn đề ngoài sân cỏ", một thành viên CLB Hà Nội chia sẻ.
Kiểm tra doping thường xuyên
Sau sự việc 5 cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị tạm giữ vì sử dụng ma túy, HLV Nguyễn Thành Công cho rằng đây là bài học đắt giá không chỉ riêng cho CLB mà cho tất cả các cầu thủ. Nhưng làm sao để không thể tái diễn tình trạng đáng buồn trên thì không thể trông chờ vào sự tự giác của các cầu thủ.
Thay vào đó, CLB và ban tổ chức giải phải chủ động hơn và tăng cường kiểm tra doping cho cầu thủ ở V-League. HLV Văn Sỹ Sơn (Quảng Nam) hiến kế: "Kiểm tra doping là giải pháp tốt nhất, vì lãnh đạo các đội bóng, ban huấn luyện không phải lúc nào cũng kè kè theo sát cầu thủ được. Do đó, nếu có những biện pháp cứng rắn, chắc chắn cầu thủ sẽ sợ và môi trường đội bóng sẽ khác".
Bên cạnh đó, công tác phòng chống tiêu cực và doping cũng cần được triển khai quyết liệt hơn thay vì chỉ hô khẩu hiệu như bao mùa giải qua. Việc VFF và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thiếu phương án tổ chức kiểm tra doping, chất kích thích với cầu thủ sau từng trận đấu là hạn chế của bóng đá Việt Nam trong việc kiểm soát từ xa.
Vì vậy, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh: "Sau vụ việc vừa qua, muốn thay đổi, chúng ta không thể nào làm khác ngoài việc phải chú trọng hơn trong việc kiểm tra doping cho cầu thủ ở V-League. Thời gian qua, VFF đã thành lập phòng y học thể thao do ThS.BS Nguyễn Văn Phú, ủy viên Ban y học LĐBĐ châu Á (AFC), phó Ban y học VFF, trực tiếp phụ trách. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra doping ở V-League thông qua qua phòng y học thể thao này".
VFF có quyền kiểm tra doping bất cứ thời điểm nào
Căn cứ theo những quy định từ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), VFF hoàn toàn có thể kiểm tra doping cũng như các chất cấm tại bất cứ thời điểm nào đối với các cầu thủ được đăng ký thi đấu trong hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.
Trả lời Tuổi Trẻ, ThS.BS Nguyễn Văn Phú - trưởng phòng y học thể thao VFF, nguyên giám đốc Trung tâm doping và y học thể thao Việt Nam - cho biết việc kiểm tra doping cầu thủ nằm trong công tác kiểm tra sức khỏe định kỳ đã từng được ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thực hiện thường xuyên từ năm 2008 đến 2017. Tính riêng ở V-League, mỗi mùa giải có tổng cộng khoảng 50 mẫu thử. Những mẫu thử này được lấy theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên với tối thiểu 2 mẫu thử/đội bóng và không phát hiện trường hợp nào dương tính với nhóm chất gây nghiện.
Những mùa giải sau đó, giải đấu có những thay đổi trong công tác tổ chức cũng như quãng thời gian dịch bệnh đã làm gián đoạn công tác kiểm tra sức khỏe cũng như doping nói trên.
Chuẩn bị cho mùa giải 2024 - 2025, công tác kiểm tra sức khỏe sẽ được chú trọng nhiều hơn. Đặc biệt, không loại trừ khả năng VFF sẽ tiến hành kiểm tra doping bất cứ thời điểm nào đối với cầu thủ được đăng ký thi đấu trong hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.
Ông Phú chia sẻ: "Bộ luật phòng chống doping thế giới đã được FIFA, AFC và những liên đoàn thành viên cam kết tuân thủ. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể lấy mẫu thử doping - trong đó có nhóm chất gây nghiện - với các cầu thủ tại bất kỳ thời điểm nào, bao gồm cả thời gian thi đấu và không thi đấu. Nếu cầu thủ có hành vi từ chối kiểm tra, cố tình làm sai lệch mẫu thử phải chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ cấm thi đấu từ 2 đến 4 năm".
Nói thêm về cách phòng chống doping, trưởng phòng y học thể thao VFF cho rằng bên cạnh những chương trình của các cơ quan, không có cách nào tốt hơn ngoài việc bản thân cầu thủ dành nhiều thời gian, ý thức rõ hơn trong việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng. Vì bất cứ vi phạm nào đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tập luyện, hình ảnh cá nhân và đôi khi đánh đổi cả sự nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận