Lực lượng chức năng đưa lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đi tiêu hủy - Ảnh: P.HẠNH
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đến sáng 28-2, bệnh đã xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 5 tỉnh, TP Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam và hiện có tỉnh thành chưa công bố.
Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con (hơn 172.505kg) đã gây ra tổn thất hàng chục tỉ đồng.
Về vấn đền bù, hỗ trợ cho người dân, theo Thứ trưởng Tiến, với đặc điểm dịch tễ và qua quan sát của Trung Quốc, tốc độ lây lan, mức độ, đặc điểm xảy ra các ổ dịch không tràn lan như nước nhưng nảy sinh ở nhiều tỉnh khác nhau, ở Việt Nam cũng giống Trung Quốc.
"Người dân cho rằng mức hỗ trợ của ta chưa phù hợp với thị trường, tiền hỗ trợ vài tháng sau mới lấy nên nhiều người bán tháo để thu tiền ngay. Khi đã bán chạy thì mức độ lây lan kinh khủng khiếp, không thể kiểm soát được.
Vì thế đề nghị đưa vào nghị quyết của Chính phủ xem xét hỗ trợ theo giá thị trường" - Thứ trưởng Tiến kiến nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng tình hình hiện nay cấp bách, dịch đang có xu hướng lan rộng ra nhiều địa phương vì thế các địa phương cần phải tập trung, nếu không sẽ bùng phát rất mạnh.
Thời gian tới quan trọng là dập được dịch, khôi phục chăn nuôi và không để dịch lan ra các địa phương khác.
"Bộ NN&PTNT, các địa phương chủ động biện pháp hỗ trợ các cơ quan phòng chống dịch nguồn lực kinh phí, chủ động hỗ trợ người chăn nuôi trong phạm vi, thẩm quyền của địa phương thực hiện được. Các bộ Tài chính, Kế hoạch - đầu tư chủ động hỗ trợ các nguồn lực về kinh phí..." - Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ động báo cáo giá hỗ trợ cho người chăn nuôi khi có dịch với giá hợp lý để người dân cung cấp thông tin dịch bệnh. Bộ NN&PTNT báo cáo vấn đề sửa nghị quyết về hỗ trợ cho người chăn nuôi ngay để xin ý kiến các thành viên Chính phủ tại hội nghị vào ngày 1-3.
"Nếu đưa ra thuyết phục sẽ được ủng hộ, vì chúng ta bỏ ra một ít nhưng sẽ ngăn chặn được rất lớn nguy cơ dịch bệnh lan rộng, thiệt hại lớn đến ngành chăn nuôi, nếu làm tốt thì sẽ có hiệu quả" - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, với mức hỗ trợ lợn bị tiêu hủy 38.000 đồng/kg là tỉnh đã cân nhắc nâng lên để người dân bớt khó khăn và có thể chấp nhận được, do giá thị trường đã trên 50.000 đồng/kg.
Còn với đàn lợn nái, người dân vẫn đề nghị hỗ trợ thêm vì giá trị rất lớn.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng trăn trở, đề nghị Bộ nên sửa và đưa khung từng thời điểm, cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm điều chỉnh cho phù hợp để người dân hợp tác trong phòng chống dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận