Phóng to |
Gần 1 triệu tấn nix thải tồn đọng đang chờ được xử lý, dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải giải quyết số nix thải này trong năm 2010 - Ảnh: Văn Chương |
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa quan tâm làm rõ hai nội dung: chủ đầu tư có quyết tâm tiếp tục thực hiện dự án hay không, nếu tiếp tục triển khai thì hiện nay đang gặp vướng mắc chỗ nào? Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội hứa trong quý 3 hoặc chậm nhất quý 4 năm nay sẽ trình hồ sơ lên Bộ Khoa học - công nghệ để cơ quan này cho ý kiến, thẩm định công nghệ sử dụng trong dự án.
Đồng thời chủ đầu tư khẳng định đến cuối năm 2012 sẽ có nhà máy xử lý nix thải và đưa nhà máy đi vào hoạt động. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận lộ trình này.
Trước đó, trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội đã có báo cáo thuyết minh với các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa về hiệu quả, tính khả thi cũng như công nghệ của dự án nhà máy xử lý nix thải. Suốt quá trình này, không có ý kiến yêu cầu cần làm rõ những vấn đề liên quan đến công nghệ mà chủ đầu tư đề xuất áp dụng.
Tuy nhiên, khi chủ đầu tư đệ trình hồ sơ xin vay vốn tại Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Khánh Hòa để thực hiện dự án, ngân hàng này yêu cầu cần phải có ý kiến thẩm định, đánh giá của cơ quan chức năng về công nghệ, thiết bị và sản phẩm của nhà máy theo quy định tại thông tư số 10 (năm 2009) của Bộ Khoa học - công nghệ. Chủ đầu tư dự án đã có giải trình với phía ngân hàng nhưng Ngân hàng Phát triển VN vẫn giữ quan điểm và nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư bổ sung việc thẩm định công nghệ trước khi xem xét cho vay.
Cho đến nay, như Tuổi Trẻ đã thông tin, chủ đầu tư vẫn chưa trình lên cấp thẩm quyền thẩm định hồ sơ công nghệ của dự án nhà máy xử lý nix thải.
Trao đổi qua điện thoại sau cuộc họp ngày 20-6, bà Nguyễn Thị Hồng - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội - cho biết hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ về công nghệ xử lý nix thải để trình Bộ Khoa học - công nghệ. Theo bà Hồng, dự kiến đến hết quý 3 hoặc đầu quý 4 sẽ được đánh giá, thẩm định xong.
Về vấn đề thu xếp các nguồn tài chính cho dự án, trong đó có vốn vay ngân hàng, bà Hồng khẳng định: “Không có cơ sở gì để ngân hàng không cho vay vốn. Chúng tôi vẫn đầu tư bình thường, đầu tư từng hạng mục. Nếu ngân hàng cho vay nhiều thì đầu tư nhiều, ngân hàng cho vay ít thì đầu tư ít. Nếu ngân hàng không cho vay, chúng tôi sử dụng vốn tự có và vốn huy động từ các đối tác”.
Hyundai Vinashin (HVS) cam kết với tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn chuyển sang đóng mới tàu biển, nix thải phát sinh không còn, sau khi sử dụng hết gần 1 triệu tấn nix thải đang tồn đọng, nhà máy sẽ lấy nguyên liệu đâu để hoạt động? Trả lời câu hỏi này, bà Hồng nói: “Nếu nguyên liệu nix thải không còn, chúng tôi sẽ xử lý quặng nghèo khai thác trong nước để tận thu các sản phẩm có trong quặng”.
Cũng trong hôm qua, lãnh đạo HVS cho biết doanh nghiệp này không có trong thành phần dự cuộc làm việc của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về dự án xử lý nix thải. Lãnh đạo HVS cũng nói thường xuyên làm việc với đối tác trong dự án xử lý nix thải (là Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội). Hợp đồng xử lý nix thải giữa hai bên vẫn còn hiệu lực thực hiện.
“Chúng tôi cũng khổ sở lắm” Đó là ý kiến của ông LÊ MỘNG ĐIỆP - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Khánh Hòa - về vụ “trùm mền” dự án xử lý hạt nix do Hyundai Vinashin (HVS) thải ra. Ông Điệp nói: - Theo Luật đất đai, được giao đất nhưng sau 12 tháng không triển khai mà không có lý do chính đáng thì thu hồi. Nhưng dự án nhà máy nix thải triển khai san ủi mặt bằng rồi. Nếu chậm tiến độ quá 36 tháng so với cam kết, UBND tỉnh sẽ thu hồi. * Xét về mặt công nghệ, ông thấy dự án có khả thi không? - Sở Tài nguyên - môi trường không phải là cơ quan thẩm định công nghệ, không thể có ý kiến hay bình luận gì. Đây là công nghệ mới nên phải được Bộ Khoa học - công nghệ thẩm định. * Năm 2003, Thủ tướng đã có quyết định buộc HVS phải xử lý dứt điểm nix thải trong giai đoạn 2003-2006, sau đó được gia hạn đến 2010. Tuy nhiên, đến nay đống nix thải gần 1 triệu tấn vẫn còn nguyên. Ông nói thế nào về việc này? - Sở và tỉnh đã rất trách nhiệm trong một thời gian dài để xử lý nix thải. Những năm gần đây làm quyết liệt. Về nguyên tắc, HVS phải chịu trách nhiệm xử lý nix thải. Nhưng bản thân họ không tự xử lý được, phải tìm đối tác và tìm nhiều rồi. Địa phương cũng tạo điều kiện cho một vài đối tác nhưng vẫn tắc. Có doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi làm gạch nhưng tiêu thụ hạt nix không đáng kể, khó đầu ra, rồi tắc. Mãi đến năm 2008 mới tìm được Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội nhận xử lý. Từ đó đến nay, tỉnh đang theo bám, khuyến khích doanh nghiệp này triển khai dự án. Có thể nói sở và tỉnh đã làm hết sức mình, tạo điều kiện tốt nhất và có những biện pháp nghiêm khắc khi HVS chưa xử lý xong nix thải. * Vấn đề là núi nix thải nguy hại vẫn còn y nguyên, việc xử lý quá trì trệ, thậm chí bế tắc. - Không những cá nhân tôi, sở và tỉnh cũng bức xúc lắm, nhưng làm sao bây giờ. Vụ này diễn ra từ trước năm 2000, khi Nhà nước tập trung kêu gọi đầu tư nhưng chưa nhìn nhận đánh giá thật “tròn trĩnh” về môi trường.Về quản lý nhà nước, để cho tồn đọng nix thải như bây giờ có thể nói thuộc về Bộ Khoa học - công nghệ trước đây, khi ấy đã có ngành tài nguyên - môi trường đâu. Đến năm 2004 mới có ngành tài nguyên - môi trường thì chuyện đã rồi, HVS chỉ thải “lai rai” không mạnh như trước. Từ đó, mình có bộ máy chuyên quản lý lĩnh vực này, lo xử lý hậu quả, 7-8 năm nay lo việc này chưa xong. * HVS tuyên bố có thể bán nix thải cho các nhà máy ximăng? - Họ nói vậy chứ bán được thì họ đã bán rồi. Ai sử dụng nix thải vào việc gì đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải được thẩm định với sự giám sát của ngành tài nguyên - môi trường. * Sở có nghĩ đến chuyện yêu cầu HVS chôn lấp nix thải đúng quy trình? - Tôi đã đi Hàn Quốc, Singapore và một số nước. Các nơi đều làm bể chôn lấp. Mình chưa có công nghệ, chưa ai đặt vấn đề chôn lấp, nếu chôn lấp không kỹ, nó thẩm lậu theo mạch nước ngầm thì nguy. Theo quy định của Bộ Khoa học - công nghệ, trước khi thải ra môi trường, nix thải phải được đốt khử độc tố trong lò chuyên dụng. Nhưng ngay cả đốt cũng phải thẩm định và giám sát, biết đâu lại thải ra khí độc nguy hại hơn? Quan điểm của tôi là cố gắng tạo điều kiện và chờ Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội thêm 5-7 tháng nữa. Nếu họ không thể tiếp tục thì kiến nghị thu hồi. Nhưng sau đó ai sẽ làm? Chậm một chút nhưng có người làm còn hơn không. Có nhiều doanh nghiệp nói cứ thu hồi đi, họ sẽ giải quyết được đống nix thải. Tôi sợ họ chỉ nói mà không làm. Nếu không thì họ đã làm rồi. Chúng tôi cũng khổ sở vụ này lắm. * HVS đóng được những con tàu cực lớn, việc chôn lấp nix thải đúng quy trình đâu phải quá khó với họ? - Nếu không còn cách nào khác cũng phải tính đến chôn lấp thôi. Nhưng hiện VN chưa có quy trình chôn lấp nix thải, chỉ biết các nước họ làm thế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận