Mới đây, gần 20 doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gửi đơn kêu cứu lên ngành chức năng.
Các doanh nghiệp phản ảnh chủ đầu tư khu công nghiệp trên là Công ty TNHH phát triển quốc tế Formosa (vốn Đài Loan, gọi tắt là FIDC) tự ý tăng giá các loại dịch vụ.
Ngoài ra công ty này còn nợ hơn 15 tỉ đồng tiền nước khiến hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng.
Chủ đầu tư khu công nghiệp có nhiều hành vi tự tung tự tác
Theo phản ảnh của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, liên tục từ giữa đến cuối năm 2023, chủ đầu tư khu công nghiệp này đã tự ý đưa ra quy định mới để nâng giá các dịch vụ.
Điển hình như việc thu gom chất thải riêng lẻ trong khu công nghiệp sẽ do FIDC đảm nhiệm với giá 400.000 đồng/m3. Các loại xe thu gom chất thải dạng lỏng của bên ngoài không được phép vào Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2.
Đặc biệt, từ tháng 11-2023, FIDC cung cấp cho các doanh nghiệp hợp đồng xử lý nước thải mới và hợp đồng thu phí quản lý khu công nghiệp mới với đơn giá tăng rất cao. Cụ thể, phí xử lý nước thải tăng từ 5.208 đồng/m3 lên 15.300 đồng/m3 (tăng 194%). Theo các doanh nghiệp, việc này trái với quy định trong hợp đồng thuê đất là chỉ tăng tối đa 15%/2 năm.
Đáng chú ý, theo phản ảnh của các doanh nghiệp và ghi nhận của các ngành chức năng, chủ đầu tư khu công nghiệp trên còn tự ý đặt barie để kiểm soát, mở hay chặn xe ra vào khu công nghiệp.
Chủ đầu tư này còn dựng biển báo giao thông trong khu công nghiệp. "Họ tự ý dựng barie, coi như khu công nghiệp là của riêng họ", một lãnh đạo ngành chức năng nhận xét.
Ngoài ra theo ghi nhận của ngành chức năng, lực lượng bảo vệ trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 có trang phục không đúng với quy định. Đặc biệt có một đội ngũ dùng xe máy gần giống với xe đặc chủng của cảnh sát giao thông để đi tuần tra trong khu công nghiệp.
Chưa hết, Công an thị xã Phú Mỹ cho biết chủ đầu tư khu công nghiệp nói trên còn cho dựng các bốt bảo vệ trên hành lang an toàn của tuyến ống dẫn khí đến các nhà máy trong khu công nghiệp.
"Việc này ảnh hưởng đến công trình trọng điểm an ninh quốc gia", lãnh đạo Công an thị xã Phú Mỹ nói. Sáng 4-1, Công an thị xã Phú Mỹ đã cho kiểm tra việc này.
Chiều 3-1, ông Trần Hữu Thông - phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết việc tăng giá trên của FIDC là sai quy định vì muốn tăng hay điều chỉnh giá đều phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và có sự thống nhất của các doanh nghiệp.
Các ngành chức năng khác cũng nhận định việc làm của chủ đầu tư Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 là sai quy định của pháp luật.
Có dấu hiệu chiếm dụng tiền của doanh nghiệp
Cụ thể, theo phản ảnh của nhiều doanh nghiệp thuê đất trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, trong tháng 12-2023 họ đã hai lần bị cúp nước vào ngày 15 và ngày 18. Việc cúp nước không được chủ đầu tư báo trước nên việc sản xuất gặp khó.
Các doanh nghiệp liên hệ với công ty cấp nước thì được biết nguyên nhân bị cúp nước và yếu nước do Công ty FIDC hiện đang nợ tiền nhiều tháng với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng. Trong khi đó theo các doanh nghiệp, họ đã thanh toán tiền nước đầy đủ, đúng hạn cho chủ đầu tư khu công nghiệp.
Theo xác minh của Tuổi Trẻ Online, đến cuối giờ chiều 3-1, Công ty FIDC còn nợ hơn 15 tỉ đồng tiền nước như trên.
Theo các cơ quan chức năng, việc chưa đóng tiền nước nói trên chủ đầu tư khu công nghiệp có dấu hiệu chiếm dụng tiền nước đã đóng của các doanh nghiệp thuê đất.
Theo nhận định của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với những quy định tự tung tự tác, tự quyền của chủ đầu tư Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, nếu không được giải quyết thì thiệt hại sẽ không lường hết được khi các nhà máy trong khu công nghiệp bị cắt điện, cắt nước và giá các loại phí quá cao như doanh nghiệp thuê đất phản ảnh.
Cũng theo cơ quan này, các dấu hiệu vi phạm pháp luật của chủ đầu tư Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 đang dần lộ rõ trong lĩnh vực vi phạm rộng, liên quan đến nhiều cấp, ngành. Do đó nếu để xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư mà còn ảnh hưởng đến tỉnh và trên hết là ảnh hưởng công ăn việc làm của gần 11.000 người lao động.
Ngày 4-1, ông Nguyễn Công Vinh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tỉnh đã họp các ngành để giải quyết sự việc trên. Qua đó yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh có văn bản yêu cầu chủ đầu tư Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 chấm dứt mọi việc làm không phù hợp với quy định. Đồng thời yêu cầu kiểm tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Chủ đầu tư khu công nghiệp không hợp tác
Theo các ngành chức năng, khi kiểm tra thì chủ đầu tư Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 không hợp tác. Qua báo cáo, được biết người đại diện pháp luật của chủ đầu tư người Đài Loan không có mặt ở Việt Nam.
Khi được các cơ quan chức năng mời làm việc, phối hợp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản thì Công ty FIDC không phản hồi theo quy chế phối hợp.
Hiện tại trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 có 41 doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động gồm các ngành nghề: dệt may, thuộc da, linh kiện điện tử, gia công cơ khí, bao bì, hạt nhựa, may mặc, thiết bị y tế, thiết bị gia dụng… Hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ đầu tư có quốc tịch: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận