Theo khẳng định của các chuyên gia và khách hàng, trong vụ việc này người dân mua nhà ngay tình, đáng được bảo vệ. Chủ đầu tư và ngân hàng có trách nhiệm phải tự giải quyết nợ với nhau...
Bảo vệ người mua nhà ngay tình
- Luật sư Nguyễn Thanh Đạm - Đoàn luật sư TP.HCM:
Thời điểm ngân hàng ký hợp đồng cho vay và thế chấp thì chủ đầu tư chung cư The Harmona đã nhận hợp tác góp vốn từ nhiều khách hàng. Sau đó, chủ đầu tư bán nhà trong tình trạng dự án đang bị thế chấp. Những tình tiết trên, ngân hàng buộc phải biết, chủ đầu tư phải báo cáo đầy đủ.
Để xảy ra chuyện tài sản thế chấp đã bán hết, người vay tiền không trả nợ đúng hạn như trường hợp tại chung cư The Harmona hiện nay do ngân hàng cho vay và quản lý tài sản quá lỏng lẻo.
Theo quy định, ngân hàng có quyền phát mãi tài sản thế chấp để giải quyết nợ. Tuy nhiên trong tình huống này, việc phát mãi tài sản liên quan đến bên thứ 3 mua tài sản ngay tình đúng pháp luật. Vì vậy, trong mọi tình huống thì pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3 ngay tình.
- Luật sư Trần Công Ly Tao - Đoàn luật sư TP.HCM:
Việc chủ đầu tư huy động vốn là công khai, việc thế chấp ngân hàng phải qua đăng ký thế chấp, và bán nhà cho dân cũng công khai.
Thậm chí việc chủ đầu tư huy động vốn vào thời điểm nào còn phải được cơ quan chức năng đồng ý và thẩm định. Vì vậy, nếu các cơ quan quản lý sâu sát, có trách nhiệm thì đã biết sự việc và ngăn chặn ngay từ đầu.
Phải công nhận quyền sở hữu cho người dân
- Ông H.T. - ngụ tầng 5 lô A chung cư The Harmona:
Tôi nghĩ việc này có lỗi của ngân hàng nên nay gặp rủi ro, ngân hàng phải chịu. Chủ đầu tư và ngân hàng phải tự thanh toán nợ với nhau.
Bản thân tôi và nhiều người dân mua nhà hợp pháp từ một công ty do Nhà nước cho phép thành lập và có chức năng kinh doanh bất động sản. Ngân hàng không thể lấy nhà của chúng tôi để phát mãi thu hồi nợ vì chúng tôi vô can.
- Ông Phạm Hoàng Thái - tầng 3 lô C chung cư The Harmona:
Tôi rất bức xúc vì chủ đầu tư không thông tin trung thực tình trạng pháp lý của căn hộ ngay từ khi khách hàng tìm hiểu để mua. Tôi mua căn hộ ngay tình, không liên quan đến món nợ do chủ đầu tư bảo lãnh vay.
Vì vậy, chủ đầu tư phải tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán, làm giấy chủ quyền căn hộ để công nhận quyền sở hữu cho tôi. Tôi mong chính quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua nhà.
Có dấu hiệu của hành vi lừa đảo Theo quy định của pháp luật, các căn hộ đã được chủ đầu tư đem thế chấp cho ngân hàng thì không được ký hợp đồng bán cho người dân. Ngược lại, nếu đã đem bán thì không đủ quyền thế chấp. Việc chủ đầu tư đem đi thế chấp nhưng vẫn ký hợp đồng bán căn hộ, hoặc bán rồi mà vẫn đem thế chấp là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (điều 139 Bộ luật hình sự). Nếu các căn hộ đã được ký hợp đồng bán cho người dân thì dù chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu, người dân vẫn có quyền được tiếp tục thực hiện hợp đồng, vẫn được bảo đảm quyền lợi chính đáng, còn hợp đồng thế chấp sẽ bị tuyên vô hiệu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận