Hàng ngàn căn hộ tại khu chung cư HH đô thị Linh Đàm, TP Hà Nội chưa được cấp sổ đỏ - Ảnh: T.Đ.H.
Thời gian qua, tình trạng các chủ đầu tư chậm bàn giao sổ đỏ cho người dân diễn ra tại nhiều dự án khu đô thị, nhà ở trên cả nước. Đặc biệt là các dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Để ngăn chặn tình trạng chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ cho người mua nhà, điều 31 nghị định 91 nêu rõ tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng) cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà… theo quy định tại khoản 7 điều 26 Luật nhà ở và khoản 4 điều 13 Luật kinh doanh bất động sản sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Trường hợp chậm bàn giao sổ đỏ cho người mua nhà từ sau 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Chậm bàn giao sổ đỏ cho người mua nhà từ 6 đến 9 tháng bị phạt tiền từ 30 triệu đến 300 triệu đồng.
Chậm bàn giao sổ đỏ cho người mua nhà từ 9 tháng đến 12 tháng bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng.
Chậm bàn giao sổ đỏ cho người mua nhà từ 1 năm trở lên bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng.
Thời gian xác định vi phạm chậm bàn giao sổ đỏ cho người mua nhà được tính từ thời điểm chủ đầu tư bàn giao nhà ở, công trình xây dựng, đất cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư vi phạm bị buộc khắc phục hậu quả, buộc nộp hồ sơ, cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp sổ đỏ theo quy định.
Cũng theo nghị định 91, kể từ ngày 5-1-2020, các vi phạm liên quan tới tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở; phân lô, bán nền sai; lấn, chiếm đất cũng sẽ bị phạt tối đa đến 1 tỉ đồng.
Hành vi mua bán đất không có sổ đỏ sẽ bị phạt 40 triệu đồng, không sang tên sổ đỏ khi thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất bị phạt tới 20 triệu đồng.
Hành vi bỏ hoang hóa đất trồng cây hằng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng bị xử phạt tối đa đến 20 triệu đồng.
Sau xử phạt, người được giao quyền sử dụng đất buộc phải đưa đất hoang hóa vào sử dụng đúng mục đích Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng sẽ bị Nhà nước thu hồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận