Người dân vùng lũ đang cần hỗ trợ của các đội tình nguyện chung tay giúp dọn dẹp lại nhà cửa sau lũ - Ảnh: NGỌC HIỂN
Dù đã quen sống với lũ, nhưng lũ lịch sử khiến người dân không kịp trở tay nên sự hỗ trợ của cộng đồng lúc này hết sức cần thiết. Ngoài những ân tình sớt chia tháng ngày hoạn nạn, người dân cũng cần những sự trợ lực dài hơi để không còn bị động trước mưa lũ hằng năm.
Những ước mơ nhỏ nhoi...
Trong căn nhà xác xơ sau lũ ở xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), bà Phạm Thị Nho (55 tuổi) kể rằng do phải tháo hai cánh cửa để kê kệ cứu 4 con heo, nhưng heo cũng chết mà đồ đạc trong nhà cũng trôi. Với bà, điều cần nhất lúc này chính là bếp gas, gạo, các loại gia vị, chén nồi và quan trọng là nước sạch để có thể tự tay nấu lại bữa cơm nóng cho chồng con sau nhiều ngày chỉ có mì gói qua ngày.
Trong khi đó, cậu con trai Trần Văn Cảm (học sinh lớp 12) cố nhặt những cuốn sách, cuốn vở ướt sũng còn sót lại mang ra phơi dù Cảm biết cũng chẳng thể ghi chép trở lại trên những trang giấy lấm lem bùn đất. Với Cảm, thứ mà em cần lúc này là sách vở để sớm yên tâm trở lại lớp.
Gia đình chị Bùi Thị Hồng (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) có nền cao, cả xóm đến gửi xe máy nhưng không ngờ nước lũ vẫn nhấn chìm - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tương tự, nhà của chị Ngô Thị Sao (42 tuổi) bị sóng nước làm nứt toác căn nhà mới sửa, cả gia sản, những bao lúa và đồ nghề hàng chục triệu đồng của chồng con đều chìm trong nước. Thứ mà chị ao ước lúc này là có tiền để mua sắm, sửa lại đồ nghề, bắt đầu lại cuộc sống.
Còn với bà Nguyễn Thị Dung (71 tuổi), khi cả heo, gà và vườn rau bị lũ cuốn trôi, ngoài gạo cơm, bà cũng ao ước chuồng heo, chuồng gà rộn tiếng kêu như trước. "Chừ tui chỉ cần có cơm ăn, nước uống và ít vốn liếng hay con giống, cây trồng để lại tay làm hàm nhai" - bà Dung nói.
Với đồ điện tử bị ngâm nước, ông Phạm Minh Thống (70 tuổi) mong rằng có những đội cứu trợ sửa chữa giúp bà con sấy khô. Như sửa cái máy bơm nước, quạt máy hay tủ lạnh để bà con bớt đi phần gánh nặng. Đồng thời, ông cũng mong có bình nước sạch loại trên 10 lít để bà con có thể ăn uống, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, các loại thuốc sát khuẩn, khử trùng giếng.
Rất nhiều người dân cũng chia sẻ họ mong muốn có một ít vốn liếng để mua sắm lại vật dụng đã trôi theo dòng lũ.
Nước chưa rút hẳn, đi lại bằng thuyền khó khăn, các đoàn cứu trợ nên đợi nước rút, đi về tận thôn, từng nhà trao ân tình cho bà con. Các nhà hảo tâm có thể trao cho người dân sinh kế như cây trồng, vật nuôi, thuốc men, thuốc khử trùng giếng nước...
Ông NGUYỄN VĂN THỤC
Cần bàn tay đội tình nguyện giúp dân dọn dẹp
Ông Nguyễn Văn Thục - chủ tịch UBND xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy) - cho biết cho đến ngày 22-10, thức ăn, nước uống cho người dân về cơ bản đã đảm bảo. Khi nước rút người dân cần sự hỗ trợ khác để tái lập cuộc sống như mua lại vật dụng gia đình, vật nuôi.
Đối với các em học sinh, có những điểm trường ngập sâu, các gia đình cũng đã ngập đến nóc, trôi sách vở, áo quần nên sự hỗ trợ về sách vở, đồ dùng học tập và quần áo để các em trở lại trường rất cần thiết.
Về lâu dài, ông Thục cho rằng người dân cần sự hỗ trợ thuyền tại khu dân cư để thoát lũ, nhất là nhà vượt lũ. Nếu có kinh phí, Nhà nước hoặc các nhà tài trợ giúp xây nhà vượt lũ chung của mỗi thôn và nhà vượt lũ riêng tại gia đình. Với gia đình, dân chỉ cần xây thêm một phòng lồi chừng 10m2 có tầng để leo lên khi lũ dâng, chưa đến 100 triệu đồng.
Theo ông Thục, nhà vượt lũ này rất hiệu quả, năm vừa rồi tỉnh hỗ trợ đã xây được 18 nhà, nhưng còn quá ít.
Bộ đội huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đưa mì gói, nước sạch vào cho bà con vùng lũ xã Tân Lâm Hương - Ảnh: DOÃN HÒA
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ ở thôn Lộc Hạ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) sống trong vùng rốn lũ lại cho rằng trước mắt bà con mong các đội tình nguyện về giúp các gia đình dọn dẹp bởi nhà nào cũng ngổn ngang bùn đất. Nếu các đoàn tự mua hàng đem đến, ông Hòa cho rằng dân cần chăn màn, áo quần, bếp gas mini, đèn tích điện...
Trong tương lai, người dân cần sự hỗ trợ để mỗi nhà có được một chiếc xuồng nhỏ, mỗi thành viên trong gia đình đều có áo phao, phao cứu sinh. Đặc biệt, người dân cần vốn để xây các nhà vượt lũ nên nếu có sự hỗ trợ có thể giúp một phần kinh phí và bà con đối ứng. Nếu Nhà nước hỗ trợ, bà con mong muốn được vay tiền lãi suất thấp, thậm chí không lãi suất phục vụ mục đích xây nhà chống lũ.
Tính chuyện hỗ trợ bền vững
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Phong - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cho biết tỉnh rất ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho những nhà hảo tâm tương trợ dân vùng lũ của tỉnh ở thời điểm này. Những ngày qua, sự đóng góp từng cái bánh chưng, gói mì, chai nước của các đoàn cứu trợ từ khắp nơi đã giúp người vùng lũ vượt qua khó khăn trước mắt.
Hiện nước đã rút, người dân bắt tay tái thiết cuộc sống, người dân cần nguồn lực phù hợp và bền vững hơn. Các đoàn cứu trợ có thể hỗ trợ dân được gạo, đồ ăn đóng hộp có hạn sử dụng dài ngày và tiền mặt là những thứ người dân cần nhất ở thời điểm này.
Về phương án hỗ trợ lâu dài, ông Phong đề xuất phương án đưa mô hình nhà phao đặc trưng ở vùng rốn lũ Tân Hóa về những vùng ngập sâu của Lệ Thủy, Quảng Ninh để người dân có thể sống chung an toàn trên lũ.
"Tỉnh sẽ nghiên cứu để thực hiện phương án này. Mức đầu tư cho mô hình nhà phao này là không lớn nhưng hiệu quả cao. Nếu có nhà tài trợ cùng góp sức, sẽ là giải pháp bền vững giúp người dân vùng trũng an toàn hơn khi mưa lũ đến" - ông Phong cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận