Chú năm nay 77 tuổi, cháu ít hơn chú 10 tuổi. Hai nhà chỉ cách nhau hơn 1km. Khi còn thân thiết, cứ 5g hai chú cháu lại gặp nhau ở quán cà phê sáng, nói vài ba câu chuyện phiếm rồi ai về nhà nấy. Khởi nguồn cho mâu thuẫn sau này cũng chỉ tại mấy tờ vé số mà người chú mua đã trúng giải nhất.
Có đòi được thêm tiền cũng mua gạo cho người nghèo, chứ giàu sang chi mấy chục triệu tiền trúng số... |
Người chú và là bị đơn trong vụ kiện |
Giải thưởng chia lìa tình chú cháu
“Chiều 4-11-2011, hai chú cháu tui ngồi uống cà phê thì người bán vé số dạo đến mời mua. Nó (người cháu) muốn mua thiếu nhưng bà bán vé số không cho. Tui mua hết bốn tờ, đưa nó giữ hai tờ, tui giữ hai tờ.
Sáng hôm sau, nó gặp tui tại quán cà phê rồi đưa tui 1,5 triệu đồng. Tui hỏi tiền gì thì nó bảo “mới trúng mánh”. Tui đưa nó hai tờ vé số còn lại nói “dò giùm chú”. Nó dò xong, bảo “trật lất” rồi bỏ hai tờ vé số vào túi và đi về” - ông chú già kể.
Rồi ông chú tiếp tục câu chuyện: “Hôm sau người bán vé số tìm tui thông báo bốn tờ vé số tui mua hôm qua đều trúng giải nhất. Mỗi tờ 30 triệu đồng, 4 tờ được 120 triệu đồng. Tui mới ngạc nhiên vì hôm qua nhờ cháu dò nó bảo trật cả.
Bà bán vé số còn cự tui, bảo chiều hôm trước bà chỉ còn bốn tờ vé số đuôi 06262 của đài Vĩnh Long, bà ấy bán cho tui cả, lộn sao được. Tui nghe thế liền đi hỏi cho ra lẽ, thì ra nó lừa lấy vé số của tui thiệt. Thế mà nó cãi bay...”.
Cháu không đồng ý trả lại tiền. Chú làm đơn tố cáo ra Công an Q.9 (TP.HCM). Bà bán vé số dạo, ông chủ quán cà phê, những người chứng kiến vụ việc đều được mời lên lấy lời khai. Bà bán vé số khẳng định nhớ rất rõ việc bán cho ông chú bốn tờ vé số.
Ông chú đưa cho cháu hai tờ, sau đó cả bốn tờ đều trúng giải. Người uống cà phê cùng chú cháu họ cũng khai chứng kiến việc chú đưa vé số cho cháu nhờ dò giùm, dò xong bảo không trúng nhưng cháu bỏ vé số vào túi rồi đi mất...
Ở cơ quan điều tra, người cháu khai chiều hôm chú mua vé số có đuôi 06262, ông cũng mua hai tờ vé số có đuôi 49 của tỉnh Bình Dương. Chú thích số 49 nên bảo cháu đổi vé số. Sau đó ông dò thì thấy vé 62 trúng giải nhất. Vì quan hệ họ hàng nên sau khi lãnh tiền, ông biếu chú 10 triệu đồng chứ không có việc được chú cho hai tờ, nhờ dò thêm hai tờ rồi chiếm đoạt luôn như chú khai.
Cơ quan điều tra nhận định lời khai của cháu có nhiều điểm chưa phù hợp, mâu thuẫn với lời khai của người chú. Hơn nữa, lời khai của tất cả nhân chứng đều phù hợp với nhau và phù hợp với lời khai của chú.
Cơ quan điều tra nhận thấy hành vi lợi dụng sự tin tưởng của người khác để gian dối chiếm đoạt tài sản của người cháu có dấu hiệu của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Do nhận thấy vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, số tiền chiếm đoạt có giá trị lớn nên Công an Q.9 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến viện kiểm sát cùng cấp trao đổi theo quan điểm khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với người cháu.
Tuy nhiên, phía viện kiểm sát cho rằng lời khai của các nhân chứng đều không xác định được vé số của chú đưa cháu dò là vé của đài nào, ngày nào và con số của các tờ vé số. Do đó, không có cơ sở xác định cháu đã chiếm đoạt hai tờ vé số của chú. Trên cơ sở đó, Công an Q.9 đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Người cháu khởi kiện chú ra TAND Q.9 đòi bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm. Chú thì tiếp tục có đơn phản tố gửi đến tòa đề nghị cháu trả lại giá trị hai tờ vé số nhờ dò giùm, hai tờ đưa trước đó thì coi như đã cho cháu.
5 năm đáo tụng đình
Sau nhiều lần hòa giải không thành, TAND Q.9 xét xử sơ thẩm hồi tháng 9-2014, bác cả đơn khởi kiện của cháu lẫn yêu cầu phản tố của chú. Chú cháu họ tiếp tục kháng cáo.
Người cháu cho rằng việc ông trúng hai tờ vé số đuôi 62 là do đổi cho chú tờ vé số có đuôi 49. Ông không thừa nhận việc được chú cho hai tờ, nhờ dò thêm hai tờ rồi chiếm đoạt luôn như chú khai.
Người cháu cho rằng việc chú tố cáo cháu lừa đảo chiếm đoạt hai tờ vé số là vu khống, làm ảnh hưởng đến tinh thần, danh dự, nhân phẩm của cháu. Quá trình điều tra, công an phường đã tạm giữ ông (người cháu) 27 giờ. Ông yêu cầu tòa tuyên buộc người chú phải xin lỗi công khai và bồi thường tổn thất 10 tháng tiền lương cơ bản.
“Ông ấy đã đổi vé số cho cháu rồi còn vu oan cho người ta, ông ấy mua chuộc nhân chứng, khai gian...” - đại diện ủy quyền của người cháu trình bày ở tòa phúc thẩm chiều 24-10. Người chú nghe bức xúc, đứng phắt dậy ngắt lời:
“Bà đâu có chứng kiến vụ việc mà cứ phát biểu bậy bạ. Thằng cháu tui là đồ gian dối...”. Hai bên lời qua tiếng lại, không ai nhường ai.
Nguyên đơn, bị đơn tranh cãi nhau đến cuối buổi chiều của phiên xử phúc thẩm vẫn chưa dứt. Chú tố cháu ăn cướp, ăn chặn, cháu tố chú vu khống, mua chuộc nhân chứng. Mấy người con của chú dọa đánh cháu, người cha phải đứng ra can ngăn... Tòa nghỉ hội ý, hẹn sáng 28-10 xử tiếp.
Đến ngày xử, nguyên đơn không ai đến tòa. Xét yêu cầu phản tố của chú, các nhân chứng chứng kiến việc chú đưa cháu vé số, nhờ cháu dò giùm nhưng không ai xác nhận được hai tờ vé số đó có số bao nhiêu, của đài nào, có phải là hai tờ trúng giải nhất hay không. Vì vậy, tòa phúc thẩm bác kháng cáo của cả hai chú cháu, tuyên y án sơ thẩm.
Hơn năm năm sau khi người chú mua bốn tờ vé số, vụ việc quay trở về vạch xuất phát, như khi họ chưa tố cáo, chưa khởi kiện nhau. Nhưng có một thứ đã mất đi, đó là tình cảm họ hàng thân thích, máu mủ.
“Tòa xử huề mà tui mừng quá! Mừng vì không phải đi thưa kiện nữa. Năm năm nay tui bị gọi đi suốt, mệt mỏi tốn kém quá chừng! Nó có lấy vé số của tui hay không thì trời biết, đất biết, những người làm nhân chứng ở đây biết cả...” - người chú nói rồi thở phào như đã trút bỏ được gánh nặng đeo đẳng bấy lâu!
Câu chuyện tranh chấp mấy tờ vé số giữa hai chú cháu gây ầm ĩ suốt một thời gian dài ở địa phương. Hỏi bà con trong xóm ai cũng khen chú là người hiền hành. Ông mù chữ nhưng làm tổ trưởng tổ dân phố suốt hơn 40 năm nay. Người dân kể lại khi được cháu đưa 10 triệu đồng, chú chỉ tiêu 3 triệu đồng, số còn lại ông mua gạo phát hết cho người nghèo trong xóm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận