Christine Lagarde bên cạnh một bé gái sống trong trại tị nạn ở Syria - Ảnh: The IMF |
Chuyện đó xảy ra năm 1981 khi bà Christine Lagarde, 25 tuổi, và đang chờ nhận việc tại một trong những hãng luật lớn nhất của Pháp khi đó. Mọi việc suôn sẻ cho tới khi người phỏng vấn nói với bà:
“Cô đừng hi vọng sẽ trở thành một người được chia sẻ lợi nhuận của hãng luật này vì cô là một phụ nữ”.
Bà Lagarde đáp lại: “Ồ, vậy ư? Vậy thì tôi đi đây”.
Sau đó bà đầu quân cho hãng luật đa quốc gia Baker & McKenzie có trụ sở tại Chicago, bang Illinois, Mỹ, nơi mà bà không chỉ trở thành một người được chia sẻ lợi nhuận của hãng ở tuổi 31 mà còn được bầu làm nữ chủ tịch đầu tiên ở tuổi 43.
Bà Christine Lagarde - Ảnh: Reuters |
Năm 2007, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tin tưởng giao phó chiếc ghế bộ trưởng tài chính của một trong những quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu cho bà Lagarde, và một lần nữa bà trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm cương vị này tại các nước phát triển.
Thực tế là cho tới hiện tại, ở tuổi 61, bà Lagarde đã “xuyên thủng” không biết bao nhiêu “bức trần kính” (chỉ giới hạn trong sự nghiệp của một người). Khả năng “xuyên thủng mọi giới hạn” của bà trở thành đặc trưng quen thuộc tới mức nhiều người nói rằng đáng lẽ cụm từ “người phụ nữ đầu tiên” phải là một phần trong tên tuổi thật của bà.
Quả thực bà Lagarde còn có những điều đầu tiên khác nữa mà không phải ai cũng biết. Ví như chuyện bà chính là người đã dự đoán được từ rất sớm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu năm 2008. Bà từng cảnh báo về vấn đề mà bà gọi là “cơn sóng thần đang tới” nếu Mỹ để Ngân hàng Lehman Brothers phá sản.
Khi ngân hàng đầu tư này thực sự sụp đổ và cuộc khủng hoảng xảy ra như lời cảnh báo, bà cũng lại là một trong những người đóng vai trò chèo lái, giúp thế giới dần hồi phục trạng thái an toàn khi thuyết phục chính phủ các nước lớn bơm hàng ngàn tỉ USD vào hệ thống ngân hàng nước họ để bình ổn thị trường thế giới.
Tới thời điểm kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, bà Lagarde có lẽ là nhà lãnh đạo tài chính duy nhất trong lịch sử được gọi là một siêu anh hùng, một người nổi tiếng, một biểu tượng phong cách.
Christine Lagarde có tác phong giản dị. Bà thích đạp xe đạp để di chuyển - Ảnh: strategic-culture |
Tuy nhiên phải tới khi trở thành chủ tịch IMF, bà Lagarde mới có cơ hội đem những trăn trở cả đời về sự bất bình đẳng giới mà bà luôn phải đối mặt lên cấp độ toàn cầu. Năm 2011 bà nhận trách nhiệm là người đứng mũi chịu sào cho IMF, trở thành nữ giám đốc điều hành đầu tiên trong lịch sử hoạt động 70 năm của tổ chức này.
Ở cương vị tổng giám đốc, trách nhiệm của bà Lagarde hệt như một bác sĩ tài chính của thế giới. IMF sẽ đánh giá “sức khỏe” tài chính của các nước thành viên và hỗ trợ họ cả về mặt tài chính lẫn chính sách, cho các nước khó khăn vay tiền khi các tổ chức khác không cho vay và hỗ trợ họ tạo ra những cải cách thiết yếu để vực dậy nền kinh tế lao đao.
Bà Janet Yellen, chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ngợi khen bà Lagarde “là một trong số những nhà lãnh đạo hiếm hoi có thể kết hợp giữa tầm nhìn và hành động. Bà ấy đã tiếp cận các vấn đề xưa cũ theo những cách thức mới mẻ, sáng tạo nhằm củng cố các mối quan hệ đã gắn kết nền kinh tế thế giới”.
Christine Lagarde nhảy cùng trẻ em châu Phi - Ảnh: The IMF/Getty |
Đó là một sự ghi nhận, bởi dưới thời bà Lagarde, IFM đã góp phần không nhỏ trong việc giúp ổn định lại các nền kinh tế Bồ Đào Nha, Ireland và Hi Lạp. Và cũng trong suốt hành trình đã qua cùng IMF, người phụ nữ này tiếp tục đẩy xa hơn nữa cuộc chiến chống bất bình đẳng giới của bà.
Bà Lagarde có một cách rất riêng để “đo” sự thành công của bản thân. Bà nói: “Tôi thường được nhắc tới như một người nổi tiếng, nhưng tôi không nghĩ điều đó thực sự ý nghĩa. Điều mà tôi luôn xúc động là khi những phụ nữ trẻ, và đôi khi là các em gái, tiến tới tôi và nói rằng họ coi tôi như một hình mẫu để học tập. Nếu tôi có thể giúp họ đạt được những gì họ muốn, điều đó mới thực sự ý nghĩa. Đó mới thực là giỏi giang”.
Bà Christine Lagarde rất thích trò chuyện với các nữ sinh trên thế giới - Ảnh: The IMF |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận